Luật Căn cước số 26/2023/QH15 đã chính thức có hiệu lực, mang đến những thay đổi quan trọng trong việc cấp và quản lý thẻ căn cước cho công dân Việt Nam. Bên cạnh việc mở rộng đối tượng được cấp thẻ, luật này còn quy định một số trường hợp đặc biệt mà công dân không cần phải đổi thẻ căn cước khi đến 14 tuổi, một độ tuổi mà theo quy định cũ thường là bắt buộc phải thực hiện thủ tục này. Vậy, trường hợp nào sẽ được miễn đổi thẻ căn cước ở tuổi 14?
Các trường hợp phải đổi thẻ căn Cước theo luật mới
Theo Điều 21 và Điều 24 của Luật Căn cước, có nhiều trường hợp công dân bắt buộc phải đổi thẻ căn cước. Các trường hợp này bao gồm:
- Đến tuổi đổi thẻ: Đây là quy định bắt buộc, công dân phải đổi thẻ khi đủ 14, 25, 40 và 60 tuổi.
- Thay đổi thông tin cá nhân: Khi có sự thay đổi về họ, chữ đệm, tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh.
- Thay đổi nhân dạng: Khi có thay đổi về khuôn mặt, cần bổ sung ảnh khuôn mặt hoặc vân tay.
- Thay đổi giới tính: Khi xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định pháp luật.
Trường hợp nào trẻ em không cần đổi thẻ Căn cước khi đủ 14 tuổi? (Ảnh minh hoạ)
- Sai sót thông tin: Khi có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước.
- Xác lập lại số định danh: Khi cần xác lập lại số định danh cá nhân.
- Thay đổi hành chính: Khi thông tin trên thẻ thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính.
- Yêu cầu cá nhân: Khi công dân có nhu cầu đổi thẻ.
Quy định về độ tuổi đổi thẻ căn Cước và ngoại lệ
Theo Điều 21, luật quy định rõ công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Điều này có nghĩa là việc đổi thẻ căn cước là bắt buộc ở 4 mốc tuổi này.
Tuy nhiên, có một ngoại lệ quan trọng được quy định tại khoản 2 của điều luật này. Cụ thể, nếu thẻ căn cước đã được cấp đổi, cấp lại trong vòng 2 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước theo quy định thì thẻ đó sẽ có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ tiếp theo.
Điều này dẫn đến một trường hợp đặc biệt mà công dân sẽ không cần phải đổi thẻ khi tròn 14 tuổi:
- Nếu công dân được cấp thẻ căn cước khi tròn 12 tuổi, thẻ đó sẽ có giá trị sử dụng đến mốc đổi thẻ 25 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc công dân đó không cần phải đổi thẻ khi tròn 14 tuổi.
- Tương tự, nếu công dân được cấp đổi thẻ căn cước khi tròn 23 tuổi, thẻ sẽ có giá trị đến mốc 40 tuổi, và không cần đổi ở tuổi 25.
- Nếu công dân cấp đổi thẻ khi tròn 38 tuổi, thẻ sẽ có giá trị đến mốc 60 tuổi. Và nếu cấp đổi thẻ khi tròn 58 tuổi, thẻ căn cước đó sẽ có giá trị sử dụng đến hết đời.
Trường hợp nào phải đổi thẻ Căn cước khi đủ 14 tuổi?
(Ảnh minh hoạ)
Như vậy, có thể thấy, trường hợp duy nhất mà công dân phải đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi là khi công dân đã làm thẻ lần đầu trong khoảng thời gian từ 0 tuổi đến dưới 12 tuổi. Nếu thẻ được làm từ 12 tuổi trở lên, công dân không cần đổi thẻ khi đủ 14 tuổi mà sẽ dùng thẻ đó đến mốc tuổi đổi thẻ tiếp theo.
Ngoài ra, nếu thẻ căn cước bị hư hỏng, mất, hoặc sai thông tin, công dân vẫn có thể thực hiện thủ tục cấp lại thẻ bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào độ tuổi.
Thời hạn sử dụng thẻ Căn cước của trẻ em
Luật Căn cước cũng quy định rõ về thời hạn sử dụng thẻ căn cước của trẻ em. Cụ thể:
- Trẻ từ khi sinh đến trước 12 tuổi: Thẻ có thời hạn sử dụng đến khi trẻ đủ 14 tuổi.
- Trẻ làm thẻ khi đủ 12 tuổi: Thẻ có thời hạn sử dụng đến khi trẻ đủ 25 tuổi.
- Trẻ không làm thẻ trước 14 tuổi: Khi đủ 14 tuổi, trẻ bắt buộc phải làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Thông tin trên thẻ Căn cước của trẻ em
Theo Thông tư 16/2024/TT-BCA, thông tin trên thẻ căn cước của trẻ em dưới 14 tuổi có sự khác biệt:
- Trẻ từ 0 - 6 tuổi: Thẻ không có ảnh, chỉ có số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch.
- Trẻ từ 6 - dưới 14 tuổi: Thẻ có ảnh khuôn mặt, số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch.
Mặt sau thẻ căn cước của cả hai nhóm tuổi đều có các thông tin: Nơi cư trú; nơi đăng ký khai sinh; chip điện tử; mã QR; ngày, tháng, năm cấp; ngày, tháng, năm hết hạn; chữ "BỘ CÔNG AN"; dòng MRZ.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)