Công trình đồ sộ này, với tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng, là hạng mục lớn nhất trên tuyến cao tốc Bến Lức (Long An) - Long Thành (Đồng Nai), một dự án trọng điểm quốc gia.
Cầu Bình Khánh bắc qua sông Soài Rạp, nối liền huyện Nhà Bè và Cần Giờ của TP.HCM. Sau thời gian tạm dừng thi công do vướng mắc về nguồn vốn, dự án đã được tái khởi động vào tháng 10/2023 và đang chạy đua với thời gian để kịp hoàn thành vào tháng 9/2025.
Xây dựng cây cầu dây văng có tĩnh không cao nhất Việt Nam
Điểm nhấn độc đáo của cầu Bình Khánh nằm ở thiết kế kiến trúc mang đậm dấu ấn địa phương. Trụ tháp chính được phác họa theo hình tượng cây đước, loài cây đặc trưng của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Kết hợp với hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật và các chi tiết trang trí lấy cảm hứng từ sóng biển, cầu Bình Khánh hứa hẹn sẽ tạo nên một hiệu ứng thị giác ấn tượng, tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của vùng đất này.
Không chỉ là một công trình kiến trúc độc đáo, cầu Bình Khánh còn sở hữu những thông số kỹ thuật ấn tượng. Hai nhịp chính của cầu có độ dài 375m, đặt trên hai trụ cầu cao 155m với móng trụ tháp có kết cấu dạng móng cọc cừ ống thép. Tĩnh không của cầu đạt 55m, cao nhất Việt Nam hiện tại, đảm bảo tàu lớn có thể di chuyển dễ dàng trên sông Soài Rạp.
Khi hoàn thành, cầu Bình Khánh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc kết nối cao tốc Bến Lức - Long Thành với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên kết các tỉnh miền Tây và Đông Nam Bộ. Sự kết nối này không chỉ giúp giảm tải áp lực giao thông cho các tuyến đường hiện hữu mà còn thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.
Bên cạnh đó, cầu Bình Khánh còn mang lại những giá trị to lớn cho huyện Nhà Bè và Cần Giờ, đặc biệt là thị trường bất động sản. Việc kết nối giao thông thuận tiện sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch, dịch vụ, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Cầu Bình Khánh là một phần quan trọng của dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến đường cao tốc dài 57,8km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỷ đồng. Dự kiến, khoảng 19km cao tốc từ Lê Khả Phiêu đến Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè, TP. HCM) sẽ được thông xe vào ngày 30/4, tiến tới thông xe toàn tuyến vào năm 2026. Sự hoàn thiện của cầu Bình Khánh và toàn bộ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và khu vực lân cận.
T.Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)