Theo Nghị quyết số 60 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII, sau khi hoàn tất việc sửa đổi Hiến pháp, tổng cộng 696 đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chính thức ngừng hoạt động. Đáng chú ý, trong số này có tới 85 thành phố trực thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc TP trực thuộc Trung ương, bao gồm cả TP. Phú Mỹ.
Thông tin này gây không ít xôn xao bởi Phú Mỹ vừa mới chính thức trở thành thành phố theo Nghị quyết 1365/NQ-UBTVQH15. Nằm ở vị trí chiến lược, trung tâm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Mỹ giáp ranh với TP. HCM và Đồng Nai, đóng vai trò là cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Đông Nam Bộ với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, một trong những cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam.
Từ ngày 1/7/2025, Phú Mỹ dự kiến sẽ bị gạch tên khỏi bản đồ hành chính
Với diện tích 333,02km2 và dân số hơn 287.000 người, Phú Mỹ từ lâu đã được biết đến là trung tâm công nghiệp, cảng biển và logistics quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố này là nơi tập trung của nhiều khu công nghiệp quy mô lớn như Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2, Phú Mỹ 3 và KCN Cái Mép, thu hút hàng trăm dự án đầu tư cả trong và ngoài nước. Cảng Cái Mép – Thị Vải, "con át chủ bài" của hệ thống logistics quốc gia, cũng đặt tại đây, là điểm đến của nhiều tuyến vận tải biển quốc tế.
Những năm gần đây, Phú Mỹ đã được đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng giao thông, với các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 51, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường vành đai 4, kết nối thuận tiện với các trung tâm kinh tế lớn như TP. HCM, Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Hệ thống cảng biển và cảng cạn hiện đại cũng góp phần củng cố vị thế là trung tâm logistics quan trọng của khu vực.
Việc xóa bỏ đơn vị hành chính cấp huyện đồng nghĩa với việc TP. Phú Mỹ sẽ không còn tồn tại trên bản đồ hành chính Việt Nam sau ngày 1/7/2025, điều này không có nghĩa là Phú Mỹ sẽ mất đi vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ. Ngược lại, với nền tảng hạ tầng vững chắc, hệ thống cảng biển hiện đại và các khu công nghiệp lớn, Phú Mỹ vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, mặc dù hướng đến mục tiêu tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, cũng đặt ra không ít thách thức. Làm thế nào để duy trì và phát huy tối đa tiềm năng của Phú Mỹ trong bối cảnh mới, cũng như đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của khu vực là những câu hỏi cần được giải đáp trong thời gian tới.
Đông Nam Bộ, với 6 tỉnh thành là TP. HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, là vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Việc tái cơ cấu hành hứa hẹn sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong bức tranh kinh tế - xã hội của toàn vùng.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)