Hàng năm, cứ khi trời trở lạnh, chuyển mùa nắng mưa thất thường hoặc ngay cả dùng điều hòa nhiều cũng dễ bị đau họng. Vì thế, đang mùa chanh đào hãy ngâm cho gia đình dùng dần.
Nguyên liệu:
Chanh đào khi mua hãy chọn quả tươi, căng mọng không dập nát.
Rửa sạch chanh đào bằng nước lạnh, dùng nước muối rửa kỹ để sạch hoàn toàn.
Để chanh ít ra nước, không bị thâm đen, hạn chế lên mốc đó là sau khi cắt lát dày tầm 3-5mm thì phơi nắng/gió cho chanh teo lại 1 chút. Nhưng trời mưa hay quá bận thì có thể ngâm tươi luôn.
Lưu ý: Một số người vẫn hay bỏ hạt chanh vì sợ đắng nhưng thực tế hạt chanh/cam rất nhiều Vitamin, không nên bỏ đi.
Mật ong.
Đường phèn.
Hũ thủy tinh sạch, để khô (Cần rửa sạch và khử khuẩn trong nước sôi và sấy khô hoặc phơi nắng khô).
Nên có vỉ nén nhựa/tre để giữ cho chanh không bị nổi lên, phần nổi lên thường bị hỏng trước hết.
Lưu ý: Chọn hũ sao để vẫn còn khoảng trống cho nước trong chanh tiết ra, không bị tràn.
Cách làm:
Khi làm tay, thớt, dao phải thật khô không dính nước lã, chanh khô không dính nước lã.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, chanh tươi hoặc chanh đã được phơi/sấy cho teo bớt nước thì xếp chanh vào hũ. Xếp tầm 3/4 hũ vì chanh còn ra nước dễ bị sủi bọt trào.
Bỏ đường phèn xen kẽ vào giữa các lớp chanh, lớp chanh lớp đường, vừa giảm độ chua vừa có tác dụng như vỉ nén để chanh không nổi lên.
Đổ mật ong vào hũ ngập chanh, đậy nắp lại.
Nên bảo quản nơi khô ráo thoáng mát.
Thời gian đầu mới ngâm nên kiểm tra bình thường xuyên, nếu sau vài ngày thấy sủi bọt thì hớt đi. Không để chanh nổi lên khỏi vỉ vì sẽ dễ bị mốc, nổi váng. Nên ngâm chanh càng lâu càng tốt, mới đầu chanh còn tươi thì ăn hơi đắng, nhưng sau một thời gian dài chanh đào ăn như mứt, vừa tốt cho họng, vừa tăng cường sức khỏe.
Theo Facebook: Hồng Nhung
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)