Ngày 17/4 vừa qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh) đã tổ chức một cuộc họp để xem xét Đề án thành lập Đặc khu Cô Tô. Đồng chí Lê Ngọc Hân, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô và Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Đề án, sẽ tham dự và chủ trì hội nghị.
Việc thành lập Đặc khu Cô Tô căn cứ trên cơ sở Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (Đề án).
Theo Đề án, các huyện đảo, TP đảo hiện nay được chuyển thành đơn vị hành chính cấp xã có tên gọi là đặc khu ưu tiên sắp xếp các đơn vị hành chính miền núi, đồng bằng với các đơn vị hành chính có biển.
Đề án nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp ngoài các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định của pháp luật, cần cân nhắc thấu đáo các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí, điều kiện địa lý; quy mô, trình độ phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.
Theo đó, hình thành 11 đặc khu thuộc tỉnh từ 1 huyện đảo, (11 huyện đảo, gồm: Vân Đồn, Cô Tô, Cát Hải, Trường Sa, Hoàng Sa, Phú Quý, Kiên Hải, Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Lý Sơn, Côn Đảo).
Xem xét Đề án thành lập Đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.
Căn cứ theo Kết luận số 1207-KL/TU ngày 15/4/2025 của Tỉnh ủy Quảng Ninh ngày 15/4/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh và Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 của Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp định hướng một số nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
Theo đó, huyện đảo Cô Tô sẽ được sáp nhập toàn bộ 2 xã và 1 thị trấn hiện có để hình thành một đặc khu hành chính mới có tên gọi là Đặc khu Cô Tô trên cơ sở chuyển nguyên hiện trạng huyện Cô Tô thành Đặc khu và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã (thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến, xã Thanh Lân).
Trước mắt giữ nguyên 13 thôn, khu trên địa bàn như hiện nay và thực hiện sắp xếp sau khi có văn bản chỉ đạo mới của Trung ương, của Tỉnh.
Đặc khu Cô Tô sẽ trở thành đơn vị hành chính cấp xã, không còn cấp huyện trung gian, nhằm tinh gọn bộ máy và phát huy hiệu quả quản lý.
Đây là đặc khu duy nhất của Quảng Ninh có địa giới hành chính hoàn toàn là biển đảo, với tiềm năng lớn về du lịch và vai trò chiến lược trong quốc phòng – an ninh vùng Đông Bắc.
Về cơ cấu tổ chức Đặc khu Cô Tô gồm: Đảng bộ Đặc khu là hạt nhân chính trị, lãnh đạo trực tiếp toàn diện do cấp uỷ tỉnh thành lập, là cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng trực thuộc tỉnh uỷ trực thuộc Trung ương; Chính quyền Đặc khu gồm HĐND, UBND Đặc khu; Uỷ ban MTTQ Đặc khu.
Về phương án sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau sắp xếp đơn vị hành chính, theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trước mắt giữ nguyên số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã hiện có trước khi sắp xếp và thực hiện rà soát, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, côn chức cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trong thời gian 5 năm cơ bản theo đúng quy định.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư tại Kết luận số 137 – KL/TW ngày 28/3/2025, Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 của BCĐ Trung ương, thực hiện kết thúc hoạt động đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, khu phố hiện nay kể từ ngày 1/8/2025 nhằm giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách để tinh gọn đầu mối, giao kiêm nhiệm chức danh đối với những chức danh thực sự cần thiết gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước hoặc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể.
Trong khi đó, cấp huyện kết thúc hoạt động từ ngày 1/7/2025 theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, vì vậy, trong thời gian này, chính quyền Đặc khu xem xét tiếp tục bố trí công việc nếu có nhu cầu và vị trí phù hợp, có thể kiêm nhiệm hoặc đảm nhận vị trí tương đương trong tổ chức mới; thôi đảm nhiệm và hưởng chế độ hỗ trợ một lần, nếu không bố trí lại sẽ chấm dứt hoạt động và được hưởng chế độ chính sách hỗ trợ một lần, mức hỗ trợ sẽ tuỳ theo thâm niên công tác, quy định của địa phương và hướng dẫn của Bộ Nội vụ hoặc chuyển sang làm cán bộ không chuyên trách nếu pù hợp và có vị trí trống.
Tại hội nghị, các đồng chí đã cho ý kiến bổ sung các phương án sắp xếp về tổ chức bộ máy, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sắp xếp xử lý trụ sở, tài sản công sau khi thành lập Đặc khu.
Trong đó, kiến nghị đối với Trung ương, sau khi Đề án thành lập Đặc khu được phê duyệt đề nghị Trung ương, tỉnh sớm có hướng dẫn tố chức lại các thôn, khu đảm bảo tinh gọn, phục vụ trực tiếp đời sống của cộng đồng dân cư trên địa bàn.
Sớm sửa đổi và ban hành các văn bản của Đảng, Chính phủ quy định vị trí việc làm đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Đặc khu.
Đề nghị tỉnh Quảng Ninh có hướng dẫn thực hiện sắp xếp đối với người hoạt động không chuyên trách khi Đặc khu đi vào hoạt động từ 01/7/2025 trong khi kết thúc hoạt động của cán bộ không chuyên trách cấp xã từ 01/8/2025.
Ban hành quy định mới về tiêu chuẩn độ tuổi, trình độ của Trưởng khu phố để có thể bố trí người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay có trình độ và năng lực tốt về thôn, khu.
Và cho phép việc sử dụng một phần trong các trụ sở làm việc để bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hộ khẩu ở đất liền không có nhà ở tại Cô Tô và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của đặc khu được bố trí sang làm việc lâu dài tại các đảo.
Đồng thời sớm có văn bản hướng dẫn xác định rõ mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công sau khi sắp xếp xong đơn vị hành chính cấp xã do hiện nay đang thực hiện mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp thuộc Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại hội nghị, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Ban chỉ đạo xây dựng Đề án không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện thống nhất thông qua Đề án thành lập Đặc khu Cô Tô và sẽ tiến hành tổ chức lấy ý kiến trong nhân dân về Đề án và trình HĐND huyện thông qua trong kỳ họp sắp tới.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)