Cây cổ xưa “lai” củ cải và bồ công anh
Theo các tài liệu cổ, từ hàng ngàn năm trước, cây ô rô (đại kế) đã được sử dụng phổ biến trong đời sống của con người. Chúng xuất hiện ở Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Riêng ở nước ta, chúng thuộc loại cây thuốc quý hiếm, rất ít gặp trong tự nhiên.
Người xưa tin rằng, loại cây này có khả năng thanh nhiệt, giải độc, cầm máu rất hiệu quả. Ngoài ra, chúng cũng là một loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, cây ô rô lại khiến nhiều người sợ hãi, không dám động vào chúng vì trên thân cây mọc đầy gai nhọn. Hoa ô rô thì hơi giống bồ công anh, còn phần rễ lại mập mạp rất giống với củ cải. Tại một số nước khác như Trung Quốc, chúng còn có tên gọi là củ cải gai vì hình dáng đặc thù của mình.
Thời kỳ ra hoa của cây ô rô là vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Thời kỳ đậu quả là từ tháng 6 đến tháng 9. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp loại cây này trên các sườn đồi, đồng cỏ và ven đường. Chúng rất nổi bật vì hoa có màu tím rực rỡ, từ xa đã có thể nhìn thấy.
Vừa là thuốc, vừa là thực phẩm, rễ được ví như “vàng”
Như đã đề cập ở trên, cây ô rô vừa là một loại thảo dược, vừa có thể dùng để chế biến thành những món ăn thơm ngon.
Rễ của chúng thường có thể dùng để nấu súp. Phần thân và lá non cũng có thể chần qua để ăn trực tiếp hoặc làm món xào, làm nhân bánh bao, v.v.
Tuy nhiên, công dụng lớn nhất và phổ biến nhất của ô rô là làm dược liệu. Toàn bộ cây và rễ cây có thể dùng làm thuốc. Chúng thường được thu hoạch vào mùa xuân và mùa hè, sau đó người ta sẽ phơi khô chúng hoặc dùng trực tiếp.
Theo y học cổ truyền, cây ô rô có vị ngọt, đắng, tính mát, có công dụng cầm máu, tán ứ, tiêu sưng tấy. Người ta thường dùng cây ô rô để chữa các chứng bệnh như xuất huyết, chảy máu cam, ho ra máu, lao, nôn ra máu, xuất huyết tử cung… Ngoài ra ô rô còn có thể hỗ trợ điều trị viêm gan, viêm vú, thông sữa, cao huyết áp…
Ở nước ta, do ô rô thuộc loại cây thuốc quý hiếm, rất ít gặp trong tự nhiên nên giá của chúng khá cao, khoảng 150.000đ/kg. Còn ở Trung Quốc, giá của dược liệu này rơi vào khoảng 40 NDT/kg, tương đương hơn 130.000đ/kg.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)