Mỗi câu thành ngữ đều có ý nghĩa riêng và câu chuyện liên quan đến nó. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay ý nghĩa của câu thành ngữ "Qua cầu rút ván" nhé!
"Qua cầu rút ván" nghĩa là gì?
Chắc chắn bạn đã từng nghe qua thành ngữ "Qua cầu rút ván" rất nhiều lần. Tuy nhiên bạn có chắc mình đã hiểu được ý nghĩa của nó? Đây là câu thành ngữ nói đến sự tráo trở, lật lọng của một số người.
Cầu - Ván: Đây là những chiếc ván được dùng để làm thành những cây cầu đơn sơ. Vào ngày xưa, việc dùng ván để làm 1 chiếc cầu rất thường thấy ở vùng nông thôn.
Qua - Rút: Đây là từ chỉ hành động của con người. "Qua" là từ chỉ hành động đi bằng chân, "rút" là từ chỉ hành động của đôi tay.
Hiểu đơn giản, “Qua câu rút ván” chính là một cây cầu được dựng lên để tất cả mọi người có thể di chuyển qua sông. Thế nhưng một người xấu tính nào đó sau khi đi qua cầu liền rút cây cầu đó, khiến cho những người còn lại không thể di chuyển.
Ấn ý hơn thì đây là câu thành ngữ phê phán một số người vô lương tâm, khi thành công lại quên đi sự giúp đỡ của người khác, làm những việc trái ngược với đạo lý sống mà ông cha ta ngàn đời truyền dạy.
Thành ngữ này có ý nghĩa gì?
Từ nghĩa đen, có thể thấy rằng câu thành ngữ “Qua cầu rút ván” phê phán sự vô lương tâm của nhiều người, khi đạt được mục đích thì bắt đầu thể hiện sự tráo trở, phản bội. Đây là tính cách xấu, đi ngược lại với đạo đức xã hội.
Từ trước đến nay, lòng biết ơn luôn được xem là một trong những truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Thế nhưng, xã hội ngày nay có rất nhiều người đã quên đi đạo lý đó và sống “vô ơn bạc nghĩa”. Đây là một căn bệnh vô cùng đáng sợ, nhất là trong đời sống xã hội hiện nay.
Vô ơn, bạc nghĩa là một trong những dấu hiệu suy thoái đạo đức hay là ngược nghĩa với nhớ ơn hay biết ơn. Người vô ơn không chỉ khiến cho người "làm ơn" buồn, thất vọng mà còn cảm thấy bị lợi dụng.
Có lẽ, rất nhiều người cho rằng ‘vô ơn’ chỉ là chuyện nhỏ, thế nhưng trên thực tế hậu quả của tình trạng này là vô cùng nghiêm trọng, ảnh hưởng không chỉ đến cá nhân mà cả cộng đồng xã hội.
Những kẻ không những quên ơn mà còn quay lại hãm hại người giúp đỡ mình là rất tàn nhẫn. Đây là những người chỉ biết đến lợi ích của bản thân mình. Vì vậy, chúng ta cần lên án hành vi này, đồng thời tránh để bản thân trở thành người qua cầu rút ván.
Trong xã hội, người có bản chất “Qua cầu rút ván” vốn không ít. Đã có rất nhiều kẻ lợi dụng lòng tốt của người khác, sau khi đạt được ý muốn thì thay đổi bản chất, xấu tính. Vì vậy, việc nhận ra những người có tính cách này và tránh tiếp xúc là cần thiết. Ngoài ra, bạn cần biết bảo vệ bản thân trong mọi tình huống, tránh đặt niềm tin sai chỗ.
Hơn thế, ý nghĩa sâu xa của câu thành ngữ “Qua cầu rút ván” còn muốn nhắc nhở chúng ta phải biết nhớ ơn những người từng giúp đỡ mình. Họ có thể là cha mẹ, thầy cô, hay những người bạn đã đồng hành cùng bạn trong cuộc sống.
Nếu không sự hỗ trợ, giúp đỡ từ họ, bạn sẽ không có được sự thành công như hôm nay. Vì vậy, hãy sống một cách nhân ái, biết ơn với những người đã giúp đỡ mình.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)