Cao Lạng chính là kết quả của việc sáp nhập hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn vào tháng 12/1975. Sự hợp nhất này tạo ra một tỉnh lớn với diện tích lên tới hơn 13.000 km2 và dân số gần 900.000 người (năm 1976). Tỉnh Cao Lạng thời điểm đó bao gồm 20 đơn vị hành chính, trong đó có hai thị xã là Cao Bằng, Lạng Sơn và 18 huyện trải dài trên cả hai vùng đất. Tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Cao Bằng.
Tuy nhiên, sự tồn tại của Cao Lạng chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Đến tháng 12 năm 1978, tỉnh Cao Lạng lại được tách ra, trả lại tên gọi và ranh giới cho hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn như ngày nay.
Trước khi mang tên Lạng Sơn, vùng đất này từng được biết đến với tên gọi Lạng Châu rồi Lạng Giang trong giai đoạn từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIV. Vị trí địa lý đặc biệt đã biến Lạng Sơn trở thành một vùng đất quan trọng trong lịch sử Đại Cồ Việt và Đại Việt, là nơi giao thương, trao đổi văn hóa với Trung Hoa.
Cao Lạng chính là kết quả của việc sáp nhập hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn
Không chỉ vậy, Lạng Sơn còn ghi dấu ấn đậm nét trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Trong ba lần đánh bại quân Nguyên – Mông, có hai lần quân giặc bị tiêu diệt ngay trên đất Lạng Sơn, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của dân tộc.
Vậy, "Lạng" trong Lạng Sơn có nghĩa là gì? Theo các nhà nghiên cứu, Lạng Sơn là vùng đất có đông đồng bào Tày, Nùng sinh sống từ lâu đời. Các địa danh có từ "Khuổi" (suối) và "Lũng" (thung lũng) rất phổ biến ở Cao Bằng và Lạng Sơn. Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Hinh đưa ra giả thuyết rằng từ "Lũng" trong ngôn ngữ Tày, Nùng đã được phiên âm thành từ Hán - Việt là "Lạng". Như vậy, "Lạng" có thể mang ý nghĩa là "thung lũng" và "Xứ Lạng" có nghĩa là xứ sở của những thung lũng.
Ít ai còn nhớ rằng, Cao Bằng và Lạng Sơn từng là một phần của Khu tự trị Việt Bắc được thành lập theo sắc lệnh số 268 ngày 1/7/1956. Khu tự trị này bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên và huyện Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang. Khu tự trị Việt Bắc là một cấp chính quyền địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương.
Cao Bằng là tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía đông bắc Việt Nam. Vị trí địa lý của Cao Bằng khá đặc biệt khi phía Tây giáp Hà Giang và Tuyên Quang, phía Nam giáp Bắc Kạn và Lạng Sơn. Đặc biệt, phía Bắc và phía Đông của Cao Bằng giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài hơn 333 km. Với diện tích tự nhiên khoảng 6.700 km2 và dân số hơn 533.000 người (năm 2022), Cao Bằng là một tỉnh biên giới có vị trí chiến lược quan trọng.
Qua những thông tin trên, chúng ta có thể thấy rằng Cao Lạng không chỉ là một cái tên cũ, mà còn là một phần của dòng chảy lịch sử, văn hóa của vùng đất Cao Bằng và Lạng Sơn.
T.Hà (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)