Cao Bằng và Lạng Sơn từng sáp nhập, hợp nhất thành tỉnh Cao Lạng. Cao Lạng là tên gọi của một tỉnh cũ, trên cơ sở hợp nhất Cao Bằng và Lạng Sơn, từ tháng 12/1975. Lúc này, tỉnh Cao Lạng có 20 đơn vị hành chính gồm hai thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn và 18 huyện: Bắc Sơn, Bảo Lạc, Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Hà Quảng, Hòa An, Hữu Lũng, Lộc Bình, Nguyên Bình, Quảng Hòa, Thạch An, Thông Nông, Trà Lĩnh, Tràng Định, Trùng Khánh, Văn Lãng, Văn Quan.
Tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Cao Bằng. Dân số của tỉnh vào năm 1976 gần 900.000 người với diện tích hơn 13.000 km2. Đến tháng 12/1978, tỉnh Cao Lạng được tách thành hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn.
Từ đó đến nay Cao Bằng và Lạng Sơn tồn tại độc lập, không ngừng phát triển từ kinh tế đến văn hóa. Cùng chúng tôi điểm qua đôi nét về 2 địa danh Cao Bằng và Lạng Sơn nhé!
Cao Bằng là một tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía đông bắc Việt Nam, có vị trí, tầm quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước. Tọa độ địa lí từ 22021'21” đến 23007'12” vĩ độ Bắc, 105016'15” đến 106050'25” kinh độ Đông. Phía Tây giáp hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Phía Nam giáp hai tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn. Phía Bắc và phía Đông giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với đường biên giới dài 333,125 km.
Diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.700,39 km2, chiếm 2,02% diện tích cả nước, số dân năm 2022 là 533.086 người (đứng thứ 61 cả nước).
Với vị trí địa lí như trên, Cao Bằng tuy cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và miền Bắc nhưng lại có điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc thông qua phát triển kinh tế cửa khẩu với 02 cửa khẩu quốc tế là Tà Lùng (huyện Quảng Hòa) và Trà Lĩnh (huyện Trùng Khánh), các cửa khẩu chính (hay cửa khẩu song phương) gồm: cửa khẩu Sóc Giang (huyện Hà Quảng), Lý Vạn (huyện Hạ Lang), các cửa khẩu phụ và lối mở biên giới.
Ngoài ra, Cao Bằng còn có các tuyến giao thông đường bộ đi các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Giang và Thủ đô Hà Nội khá thuận lợi; đồng thời, hiện nay tỉnh đang xúc tiến thực hiện việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Hiện nay, Cao Bằng có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm thành phố Cao Bằng và 9 huyện: Trùng Khánh, Quảng Hòa, Hạ Lang, Thạch An, Hòa An, Hà Quảng, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình.
Toàn tỉnh có 161 xã, phường, thị trấn, trong đó có 40 xã, thị trấn biên giới.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam; cách thủ đô Hà Nội 154 km đường bộ và 165 km đường sắt; phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía đông bắc giáp Trung quốc, phía đông nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía tây nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía tây giáp tỉnh Bắc Cạn. Theo chiều bắc - nam từ 22o27’- 21o19’ vĩ bắc; chiều đông - tây 106o06 - 107021’ kinh đông.
Địa hình Lạng Sơn phổ biến là núi thấp và đồi, ít núi trung bình và không có núi cao. Độ cao trung bình là 252m so với mực nước biển. Nơi thấp nhất là 20m ở phía Nam huyện Hữu Lũng, trên thung lũng sông Thương. Nơi cao nhất là đỉnh Phia Mè (thuộc khối núi Mẫu Sơn) cao 1.541m so với mặt biển.
Hướng địa hình rất đa dạng và phức tạp: Hướng tây bắc - đông nam thể hiện ở máng trũng Thất Khê - Lộc Bình, trên đó có thung lũng các sông Bắc Khê, Kỳ Cùng và Tiên Yên (Quảng Ninh) và dãy hồ Đệ Tam đã được lấp đầy trầm tích Đệ Tam và Đệ Tứ, tạo thành các đồng bằng giữa núi có giá trị đối với ngành nông nghiệp của tỉnh như Thất Khê, Na Dương, Bản Ngà. Hướng đông bắc - tây nam thể hiện ở hướng núi thuộc các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Chi Lăng, Văn Quan và phần lớn huyện Văn Lãng, hướng này cũng thấy ở núi đồi huyện Cao Lộc (các xã Lộc Yên, Thanh Lòa và Thạch Đạn). Hướng bắc - nam thể hiện ở hướng núi thuộc các huyện Tràng Định, Bình Gia và phần phía tây huyện Văn Lãng. Hướng tây - đông thể hiện ở hướng của quần sơn Mẫu Sơn với khoảng 80 ngọn núi.
Hoàng Lê (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)