Theo Công văn 397/TTCS-TTTH ngày 25/05/2024, Cục Thông tin cơ sở thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến về phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cho người dân thường xuyên trên đài truyền thanh cơ sở.
Trước tình hình lừa đảo trên không gian mạng diễn biến phức tạp, Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo 12 hình thức lừa đảo trên mạng phổ biến hiện nay mà người dân cần cảnh giác, cụ thể:
(1) Cảnh báo hình thức lừa đảo tổ chức cá độ bóng đá qua không gian mạng, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Tình hình tội phạm lừa đảo qua mạng Internet ngày càng đa dạng, tinh vi, đan xen cũ và mới khiến người dân nói chung khó nhận diện. (Hình minh họa).
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật liên quan đến tội phạm và tệ nạn cờ bạc, đặc biệt là cá độ bóng đá. Người dân cần ý thức được hậu quả và tác hại của tệ nạn cá độ bóng đá đối với bản thân, gia đình và xã hội. Tuyệt đối không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.
Trường hợp phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến cá độ bóng đá cần kịp thời báo tin tố giác với cơ quan Công an gần nhất hoặc qua đường dây nóng của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an (069.2348569) để có biện pháp điều tra xử lý, góp phần làm lành mạnh môi trường xã hội.
(2) Cảnh báo chiêu trò sử dụng các ứng dụng cho vay nặng lãi, thu lợi bất chính
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nên tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, đặc biệt liên quan đến tài chính, người dân nên xem xét cẩn thận các quyền mà ứng dụng yêu cầu cũng như đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng này. Nếu phát hiện có điểm đáng ngờ, hãy hủy cài đặt ứng dụng ngay lập tức.
(3) Cảnh báo chiêu trò giả danh cán bộ làm việc tại Bộ Công an hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền bị mất để tiếp tục chiếm đoạt tài sản
Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cần phải thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội.
Tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP, … để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp. Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai.
Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước.
(4) Cảnh báo hình thức lừa đảo sử dụng kịch bản “thanh lý đồ điện tử giá rẻ” nhằm chiếm đoạt tài sản của người dùng mạng xã hội
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nên lựa chọn những địa chỉ uy tín và chính thống để tránh sập bẫy lừa đảo. Người dân không mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như giá rẻ hơn nhiều lần so với thị trường để tránh mua phải những mặt hàng kém chất lượng hoặc bị chiếm đoạt tài sản.
(5) Lừa bán phần mềm đọc trộm tin nhắn, chiếm đoạt tài sản hàng trăm triệu đồng
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, người dân nên tìm hiểu và theo dõi các chuyển biến của các hình thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng, để có thể chủ động đối phó trước mọi tình huống. Tuyệt đối không vì hiếu kỳ mà tìm mua những sản phẩm, thiết bị nêu trên; không mua các sản phẩm, thiết bị trôi nổi, giá rẻ, nhập lậu giá rẻ để tránh bị các đối tượng xấu theo dõi, đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân và xâm phạm đời sống riêng tư.
Ngoài ra, việc tự ý mua, bán và sử dụng những phần mềm, thiết bị ngụy trang đọc trộm, ghi âm, ghi hình khi không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép là hành vi vi phạm pháp luật; có thể bị xử phạt hành chính hoặc nghiêm trọng hơn là truy tố hình sự. Việc xử phạt không chỉ áp dụng với các đối tượng kinh doanh, cung cấp thiết bị trái phép mà còn là người mua và sử dụng thiết bị.
(6) Cảnh báo chiêu trò mạo danh cán bộ thuế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để bảo vệ mình trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.
Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
(7) Giả danh công an gọi điện hù dọa, lừa đảo chiếm đoạt tiền
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, không yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Điều đáng nói, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào sự thiếu hiểu biết, không minh mẫn của người cao tuổi để ra tay lừa đảo. Vì thế, để đối phó với các đối tượng lừa đảo qua điện thoại thì những người trong gia đình phải tuyên truyền cho người cao tuổi để họ nhận biết và có ý thức cảnh giác, phòng tránh hiệu quả.
(8) Cảnh báo nhóm đối tượng mạo danh phóng viên, cộng tác viên báo chí để chiếm đoạt tài sản
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân cần nâng cao kiến thức để bảo vệ bản thân trước các đối tượng lừa đảo mạo danh để tránh bị chiếm đoạt tài sản. Các cơ quan, doanh nghiệp cần nhận biết và tìm hiểu rõ danh tính của đối tượng trước khi thực hiện bất kì một thỏa thuận nào. Hiện nay, tình trạng làm giả giấy tờ, chứng chỉ, hồ sơ đang tràn lan trên mạng xã hội và được sử dụng vào những mục đích phi pháp. Người dân cần nâng cao cảnh giác, nếu gặp trường hợp lừa đảo tương tự cần báo ngay cho cơ quan chức năng, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.
(9) Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội
Để đấu tranh với các loại hình lừa đảo này, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ về các hoạt động từ thiện và hỗ trợ trên mạng xã hội.
Đây là một hiện trạng đáng lên án khi lợi dụng lòng tốt của những nhà hảo tâm để chuộc lợi, gây mất niềm tin của người dân đối với các hoạt động thiện nguyện thật. Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý.
(10) Cảnh giác với hình thức giả mạo quỹ đầu tư PYN Elite để lừa đảo
Hiện nay, trên mạng xã hội lần lượt xuất hiện nhiều fanpage, nhóm chat giả danh các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư nhằm dụ dỗ các nạn nhân tham gia gửi tiền. Theo lực lượng Công an, một số đối tượng lừa đảo đã mạo danh quỹ PYN Elite để kêu gọi người dân đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sả
Để phòng tránh những hành vi lừa đảo kể trên, Bộ TT&TT khuyến cáo người dân cảnh giác trước những lời mời gọi đầu tư từ người lạ. Cần phải tìm hiểu thật kỹ danh tính đối tượng, mức độ chính thống của các dự án đầu tư. Tuyệt đối không truy cập, tải các ứng dụng từ đường link lạ, chỉ truy cập vào các đường link xuất hiện trên các trang điện tử, website chính thống.
Nếu gặp những trường hợp tương tự, người dân cần chủ động liên hệ ngay với các cơ quan chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi chiếm đoạt tài sản.
(11) Cảnh báo lừa đảo thông qua hành vi mạo danh Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)
Đại diện ACV cho biết gần đây trên các nền tảng xã hội thường xuyên xuất hiện các bài đăng, fanpage mạo danh ACV với mục đích chiếm đoạt tài sản, trục lợi từ dự án sân bay Long Thành.
Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân khi thấy các bài đăng có nội dung kêu gọi đầu tư trên mạng xã hội, phải kiểm tra bằng cách tìm kiếm thông tin trên các trang web chính thống của doanh nghiệp. Xác định kĩ danh tính đối tượng trước khi chuyển tiền. Khi bắt gặp những hành vi lừa đảo, người dân cần chủ động liên hệ ngay với các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.
(Hình minh họa)
(12) Cảnh báo các hình thức lừa đảo liên quan tới ứng dụng VssID giả mạo
Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng khi bắt gặp những dịch vụ liên quan tới ứng dụng VssID trên các nền tảng mạng xã hội.
Người dân chỉ sử dụng dịch vụ từ các trang web chính thống hoặc trực tiếp đến với các cơ quan Bảo hiểm xã hội địa phương. Người dân chỉ nên tải ứng dụng VssID thông qua hệ thống cửa hàng trực tuyến như CH Play (đối với hệ điều hành Android) và App Store (đối với hệ điều hành IOS), tuyệt đối không cài đặt ứng dụng VssID từ các nguồn không xác định, những nguồn link lạ, không cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lạ, khuyến khích tắt chế độ “cài đặt ứng dụng từ nguồn không xác định” trong điện thoại thông minh.
Đề xuất xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
Hiện nay, trong hệ thống pháp luật Việt Nam chỉ có 01 văn bản là Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ đưa ra định nghĩa về dữ liệu cá nhân và bảo vệ dữ liệu cá nhân, và chưa có văn bản Luật nào quy định về vấn đề này.
Do đó, việc xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân của nước ta, tạo hành lang pháp lý cho công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân, nâng cao năng lực bảo vệ dữ liệu cá nhân cho các tổ chức, cá nhân trong nước tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu cá nhân đúng pháp luật phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Đơn cử quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động tài chính, ngân hàng, tín dụng, thông tin tín dụng đang được đề xuất như sau:
- Các công ty tài chính, ngân hàng, tín dụng:
+ Không được mua, bán thông tin tín dụng hoặc chuyển giao trái phép thông tin tín dụng giữa các tổ chức tài chính, tín dụng, thông tin tín dụng;
+ Không được gửi, truyền bản rõ dữ liệu về tài chính, tín dụng của chủ thể dữ liệu giữa các tổ chức tài chính, tín dụng, thông tin tín dụng;
+ Áp dụng đầy đủ quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm, các tiêu chuẩn bảo mật về thanh toán, tín dụng theo quy định của pháp luật;
+ Không được sử dụng thông tin tín dụng của chủ thể dữ liệu để chấm điểm tín dụng, đánh giá mức độ tín nhiệm về tín dụng của chủ thể dữ liệu khi chưa có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu;
+ Kết quả đánh giá thông tin tín dụng của chủ thể dữ liệu chỉ được dưới dạng Đạt hoặc Không Đạt, Có hoặc Không, Đúng hoặc Sai, hoặc thang điểm trên cơ sở dữ liệu mà các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng, thông tin tín dụng thu thập trực tiếp từ khách hàng;
+ Xác định và tuyên bố rõ ràng về các khâu đoạn cần áp dụng biện pháp khử nhận dạng dữ liệu cá nhân;
+ Phải thông báo cho chủ thể dữ liệu về các sự cố và việc mất các thông tin về tài khoản tài chính.
- Các tổ chức kinh doanh dịch vụ thông tin tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, trung gian thanh toán không được cung cấp, chuyển giao trái phép dữ liệu cá nhân cho nhau và với các tổ chức doanh nghiệp khác, trừ trường hợp được luật cho phép.
- Chỉ được cung cấp thông tin tín dụng, sản phẩm thông tin tín dụng của chủ thể dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân là các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng khi có quy định của luật.
- Cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là đầu mối yêu cầu cung cấp thông tin tín dụng phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)