Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ vai diễn Hòa Thân trong phim “Tể tướng Lưu Gù” do Vương Cương đóng. Không thể không nói Vương Cương đã diễn xuất rất đạt vai diễn này, thể hiện cho chúng ta thấy một Hòa Thân sống động đến vậy, thậm chí từng ánh mắt đều như Hòa Thân đang hiện hữu trước mặt chúng ta vậy. Đương nhiên, chúng ta cũng không hẳn là đã hiểu rõ về Hòa Thân, thực ra là không hề hiểu con người thực sự của ông là như thế nào.
Có lẽ mọi người sẽ nói ông là tên tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Không sai, con người ông ta quả thực vô cùng tham lam. Được biết trong thời vua Càn Long, tiền của mà Hòa Thân tham ô ăn hối lộ đã lên tới hơn 1.1 tỉ lượng. Vậy rốt cuộc số tiền này nhiều cỡ nào?
Hay nói cách khác, tất cả số tiền này thêm cả đồ cổ mà ông cất giấu đã vượt quá cả thu nhập tài chính của chính phủ triều Thanh. Thậm chí chính phủ triều Thanh còn phải mất 15 năm mới có thể kiếm được số tiền ấy, tổng số tiền quá lớn khiến người ta phải giật mình. Có thể nói Hòa Thân nổi tiếng tham lam, tham lam tới một cảnh giới đỉnh cao. Nhưng cho dù là vậy Càn Long không hề lựa chọn diệt trừ ông ta. Tại sao lại vậy?
Thực ra để đánh giá một người, chỉ nhìn một phương diện là hoàn toàn không hợp lý, dù sao mọi vật luôn có tính đa diện, chỉ khi nhìn nhận, đánh giá từ các phương diện, các góc độ khác nhau thì mới có thể có được sự khách quan. Hòa Thân từ nhỏ sống trong cuộc sống bần hàn, gia đình không hề có quyền thế chống lưng, có thể đạt được thành tựu như vậy đương nhiên là nhờ vào tài hoa của bản thân ông.
Có thể nói ông là một tiểu nhân, cực kỳ giỏi nịnh hót, dẻo miệng. Trước mặt Càn Long, ông ta càng thể hiện rõ sự khéo léo nhìn sắc mặt người khác để nói chuyện. Càn Long đương nhiên cũng không ngu ngốc. Những chuyện xấu xa mà ông làm, hoàng thượng sao có thể không nhìn ra, không nghe thấy? Chỉ là trong lòng không hề muốn giết ông mà thôi. Tuy nói Hòa Thân tham lam vô độ nhưng lại không hề uy hiếp tới việc thống trị của Càn Long. Ngược lại, ông ta lại khiến những đảng phái ngầm đấu đá lẫn nhau có thể bảo vệ duy trì sự tập trung cao độ quyền lực của hoàng gia.
Trước khi Càn Long qua đời, ông đã đặc biệt căn dặn vua Gia Khánh rằng không được giết Hòa Thân, khi ấy vua Gia Khánh đồng ý ngay, nhưng khi vừa mới ngồi lên ngai vàng, lời hứa lúc trước lại hoàn toàn ném lên chín tầng mây. Điều khác với Càn Long là vua Gia Khánh cực kỳ căm ghét những tên tiểu nhân nịnh bợ giả tạo, thế nên từ lâu ông đã thấy Hòa Thân ngứa mắt. Ông đã sai người tịch thu tài sản nhà Hòa Thân, tuy Hòa Thân tham lam vô độ, sở hữu khối tài sản khổng lồ nhưng hoàng thượng hạ lệnh bắt ông ta phải chết, ông ta cũng không còn cách nào khác.
Khi ấy, vua Gia Khánh không hề hiểu dụng ý của Càn Long tại sao lại không được giết Hòa Thân. Trong mắt ông, Hòa Thân luôn là cái gai trong mắt, nhìn thế nào cũng thấy ghét. Mãi cho tới 15 năm sau, sử quan sợ Gia Khánh trách tội nên đã viết trong “Hòa Thân lưu truyền” tất cả mọi chuyện xấu đều là do ông làm. Vua Gia Khánh phẫn nộ: Hòa Thân không phải là cái gì cũng xấu.
Thực ra, Hòa Thân ngoài việc tham ô ra thì cũng có nhiều cống hiến ví dụ như chế độ dùng tiền để đền tội. Chỉ là Hòa Thân thực sự đã tham ô quá nhiều, còn nhiều tiền hơn cả quốc khố. Có lẽ là sau khi vua Gia Khánh giết xong thì cũng có hối hận chăng. Nếu không thì khi viết “Hòa Thân lưu truyền” cũng đã không viết vào đó những cống hiến của Hòa Thân. Suy cho cùng, vẫn là do Gia Khánh tự mình hạ lệnh giết Hòa Thân.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)