1. Bộ Nội vụ đẩy mạnh tinh giản biên chế
Theo báo cáo tóm tắt kết quả công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 là thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục thực hiện chủ trương tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Báo cáo cũng nhấn mạnh việc tập trung đào tạo, đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đảm bảo đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu công việc sau quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó, các đơn vị sự nghiệp công lập cũng sẽ tiếp tục được sắp xếp và đẩy mạnh tự chủ theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2017.
Được biết, tính đến ngày 30/10/2024, tổng số cán bộ, công chức, viên chức đã được tinh giản theo quy định là 16.149 người, trong đó, các bộ, ngành là 217 người và địa phương là 15.932 người. Các cơ quan, đơn vị đã cơ bản sử dụng đúng số biên chế được giao, không vượt quá số biên chế được phê duyệt và chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình tinh giản biên chế.
Những công chức, viên chức nào được tinh giảm biên chế (Ảnh minh hoạ)
Như vậy, năm 2025 sẽ là năm tiếp tục diễn ra những thay đổi đáng kể trong công tác tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan nhà nước. Việc tinh giản biên chế không chỉ là giảm số lượng mà còn là cơ hội để tái cơ cấu đội ngũ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
2. Ai thuộc diện tinh giản biên chế theo Nghị định 29?
Việc xác định đối tượng tinh giản biên chế được quy định cụ thể tại Nghị định 29/2023/NĐ-CP. Theo đó, các đối tượng sau đây có thể thuộc diện tinh giản biên chế:
Cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ, công chức cấp xã và người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính:
- Dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy: Những người dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Điều này bao gồm cả trường hợp dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại để thực hiện cơ chế tự chủ.
- Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính: Những người dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ: Những người dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm nhưng không thể bố trí được công việc khác hoặc có thể bố trí nhưng tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan quản lý đồng ý.
- Không đạt chuẩn trình độ: Những người chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí đang đảm nhiệm, không có vị trí phù hợp để bố trí và không thể đào tạo lại hoặc được bố trí công việc khác nhưng tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan quản lý đồng ý.
- Không hoàn thành nhiệm vụ: Những người có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế có 1 năm xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí công việc khác hoặc có kết quả xếp loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống trong năm liền kề hoặc năm xét tinh giản biên chế và tự nguyện tinh giản biên chế.
- Nghỉ ốm quá nhiều: Những người có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ làm việc bằng hoặc cao hơn số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định của pháp luật hoặc có số ngày nghỉ ốm như vậy trong năm liền kề hoặc năm xét tinh giản biên chế và tự nguyện tinh giản biên chế.
(Ảnh minh hoạ)
- Thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức: Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính theo quyết định của cấp có thẩm quyền, và tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế.
- Bị kỷ luật: Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc và tự nguyện tinh giản biên chế.
Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong đơn vị sự nghiệp công lập: Những người làm công việc chuyên môn nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập, bị dôi dư do sắp xếp lại tổ chức hoặc cơ cấu lại nhân lực theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố: Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố dôi dư do sắp xếp thôn, tổ dân phố khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và nghỉ trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền.
3. Lưu ý về tính tự nguyện và sự đồng ý của cơ quan quản lý
Nghị định 29/2023/NĐ-CP cũng nhấn mạnh yếu tố tự nguyện của cá nhân trong một số trường hợp. Cụ thể, các trường hợp dôi dư do cơ cấu lại, không đạt chuẩn trình độ, không hoàn thành nhiệm vụ, nghỉ ốm quá nhiều, thôi giữ chức vụ do sắp xếp tổ chức và đang trong thời gian bị kỷ luật đều cần có sự tự nguyện của cá nhân và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý mới thuộc diện tinh giản biên chế.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)