Chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có sang biên chế cấp xã
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, vừa ký Công văn số 03/CV-BCĐ ngày 15/4/2025 gửi Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng một số nhiệm vụ trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, cũng như các vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp.
Công văn này đặc biệt nhấn mạnh công tác tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bao gồm cơ cấu tổ chức, số lượng chức danh lãnh đạo, quyền hạn và nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp xã mới, cùng với các vấn đề về biên chế, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố, cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trước mắt, số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện và cấp xã sẽ giữ nguyên để bố trí tại cấp xã. Ảnh minh hoạ
Về biên chế, Công văn số 03/CV-BCĐ yêu cầu chuyển 100% biên chế cấp huyện hiện có sang biên chế cấp xã, trong đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay sẽ làm nòng cốt tại các đơn vị cấp xã mới. Cũng theo Công văn số 03/CV-BCĐ: "có thể tăng cường cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh về cấp xã".
Trước mắt, số lượng biên chế cán bộ, công chức của cấp huyện và cấp xã sẽ giữ nguyên để bố trí tại cấp xã. Đồng thời, công tác rà soát và tinh giản biên chế sẽ được thực hiện gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm hoàn thành mục tiêu theo đúng quy định của Chính phủ trong vòng 5 năm tới.
Cấp tỉnh dự kiến có tối đa 14 sở
Về việc tổ chức chính quyền địa phương cấp tỉnh (bao gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương) sẽ tiếp tục duy trì mô hình tổ chức như hiện nay. Theo đó, chính quyền địa phương cấp tỉnh gồm có Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND). HĐND cấp tỉnh sẽ tổ chức từ 3 đến 4 ban chuyên môn giúp việc, bao gồm Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội. Đối với các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, có thể thành lập thêm Ban Dân tộc. HĐND các thành phố trực thuộc trung ương sẽ thành lập 4 ban, gồm các ban trên và thêm Ban Đô thị, theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025.
UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức tối đa 14 sở và các cơ quan tương đương. Riêng đối với TP Hà Nội và TP.HCM, số lượng sở và cơ quan tương đương có thể là 15 cơ quan. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về việc tổ chức cơ quan thuộc HĐND và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND sau khi sắp xếp, đồng thời đảm bảo việc nhập nguyên trạng các cơ quan thuộc HĐND cấp tỉnh, bao gồm cả Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, phù hợp với quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, các đơn vị cấp tỉnh trước khi sắp xếp có Ban Dân tộc sẽ tiếp tục duy trì ban này đến hết nhiệm kỳ 2021-2026, sau đó thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cũng sẽ được tổ chức thống nhất trên toàn quốc, và đối với những cơ quan đặc thù, việc tổ chức sẽ được chính quyền cấp tỉnh xem xét, quyết định.
UBND cấp tỉnh sẽ tổ chức tối đa 14 sở và các cơ quan tương đương. Ảnh minh hoạ
Về nhiệm vụ và quyền hạn, chính quyền cấp tỉnh sẽ thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9. Sau khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, các địa phương cần chủ động triển khai thực hiện theo đúng quy định.
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, đặc biệt trong các lĩnh vực như quy hoạch, tài chính, ngân sách, đầu tư và đất đai, nhằm tạo điều kiện và nguồn lực để các địa phương nâng cao vai trò tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Liên quan đến biên chế, công văn quy định rằng số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị cấp tỉnh sau khi sắp xếp không được vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức hiện có của cấp tỉnh trước khi sắp xếp. Đồng thời, việc tinh giản biên chế sẽ được thực hiện song song với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ, bảo đảm đúng theo quy định trong vòng 5 năm.
Khi chính quyền địa phương cấp tỉnh đi vào hoạt động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan để xây dựng vị trí việc làm, từ đó đề xuất biên chế phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng và nhiệm vụ của từng địa phương.
H.Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)