Thông tư 2/2025 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động. Một trong những điểm nhấn quan trọng của thông tư là việc mở rộng phạm vi áp dụng, bổ sung cách tính trợ cấp cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh nhiều thay đổi của hệ thống chính trị.
Cụ thể, thông tư mới bổ sung cách tính tiền lương hiện hưởng (căn cứ để tính trợ cấp) đối với người làm công tác cơ yếu, thay vì chỉ áp dụng một cách tính chung cho tất cả cán bộ, công chức như trước đây. Điều này đảm bảo sự công bằng và phù hợp với đặc thù công việc của nhóm đối tượng này.
Bên cạnh đó, cách tính trợ cấp khi nghỉ hưu trước tuổi cũng được điều chỉnh và bổ sung cho nhiều nhóm đối tượng khác, bao gồm:
Cách tính trợ cấp khi nghỉ hưu trước tuổi cũng được điều chỉnh và bổ sung cho nhiều nhóm đối tượng khác (Ảnh minh hoạ)
- Nữ cán bộ, công chức cấp xã nghỉ việc.
- Người nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế.
- Cán bộ nghỉ hưu trước tuổi do không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm.
- Người làm công tác nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thông tư 2/2025 cũng quy định chi tiết về các khoản trợ cấp và cách tính cụ thể cho từng nhóm đối tượng. Dưới đây là tóm tắt các nội dung chính:
1. Trường hợp người nghỉ hưu trước tuổi mà tuổi đời còn đủ từ 2 đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu
Đối tượng này sẽ được hưởng 3 khoản trợ cấp chính:
* Khoản 1: Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm
Người nghỉ trong 12 tháng đầu tiên:
- Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1 x Số tháng nghỉ sớm
Người nghỉ từ tháng thứ 13:
- Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm
* Khoản 2: Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm
Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng), được hưởng 5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp cho số năm nghỉ sớm = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 x Số năm nghỉ sớm
* Khoản 3: Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc (Áp dụng cho người nghỉ trước ngày Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực, tức 1/7/2025, trừ nữ cán bộ, công chức cấp xã)
20 năm đầu công tác được trợ cấp 5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Từ năm thứ 21, mỗi năm được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng BHXH = Tiền lương tháng hiện hưởng x 5 + 0,5 x Số năm công tác có đóng BHXH từ năm thứ 21
Lưu ý đặc biệt: Đối với nữ cán bộ, công chức cấp xã nghỉ từ ngày 1/1/2025 và nghỉ từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, cách tính trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH sẽ khác. Trong 15 năm đầu công tác, được trợ cấp 4 tháng tiền lương hiện hưởng; từ năm thứ 16, mỗi năm được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.
Mức trợ cấp tính theo thời gian công tác có đóng BHXH = Tiền lương tháng hiện hưởng x 4 + 0,5 x Số năm công tác có đóng BHXH từ năm thứ 16
2. Trường hợp người có tuổi đời còn trên 5 năm đến đủ 10 năm đến tuổi nghỉ hưu
(Ảnh minh hoạ)
Đối tượng này cũng được hưởng 3 khoản trợ cấp, nhưng cách tính có sự khác biệt:
* Khoản 1: Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm
- Người nghỉ trong 12 tháng đầu tiên:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,9 x 60 tháng
- Người nghỉ từ tháng thứ 13:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,45 x 60 tháng
* Khoản 2: Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm. Cứ mỗi năm nghỉ sớm (đủ 12 tháng), được hưởng 4 tháng tiền lương hiện hưởng.
- Mức trợ cấp cho số năm nghỉ sớm = Tiền lương tháng hiện hưởng x 4 x Số năm nghỉ sớm
* Khoản 3: Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc. Cách tính tương tự như trường hợp 1, với sự khác biệt về cách tính cho nữ cán bộ, công chức cấp xã (đã nêu ở trên).
3. Trường hợp người có tuổi đời còn đủ từ 2 năm đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu trước tuổi do tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức
Đối tượng này cũng được hưởng 3 khoản trợ cấp:
* Khoản 1: Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm
- Người nghỉ trong 12 tháng kể từ ngày 15/3/2025:
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1 x Số tháng nghỉ sớm
- Người nghỉ hưu từ tháng 13, kể từ ngày 15/3/2025
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 0,5 x Số tháng nghỉ sớm
* Khoản 2: Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm. Cách tính tương tự như trường hợp 1.
* Khoản 3: Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc. Cách tính tương tự như trường hợp 1, với sự khác biệt về cách tính cho nữ cán bộ, công chức cấp xã (đã nêu ở trên).
4. Trường hợp cán bộ không đủ tuổi tái cử, tái bổ nhiệm hoặc đủ điều kiện về tuổi tái cử, bổ nhiệm, có tuổi đời còn đủ từ 2 đến đủ 5 năm đến tuổi nghỉ hưu
(Ảnh minh hoạ)
Đối tượng này cũng được hưởng 3 khoản trợ cấp:
* Khoản 1: Trợ cấp hưu trí một lần cho số tháng nghỉ sớm
Mức trợ cấp hưu trí một lần = Tiền lương tháng hiện hưởng x 1 x Số tháng nghỉ sớm
* Khoản 2: Trợ cấp cho số năm nghỉ sớm. Cách tính tương tự như trường hợp 1.
* Khoản 3: Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc. Cách tính tương tự như trường hợp 1, với sự khác biệt về cách tính cho nữ cán bộ, công chức cấp xã (đã nêu ở trên).
Thông tư 2/2025 cũng quy định rõ cách tính tiền lương tháng hiện hưởng, làm căn cứ để tính các khoản trợ cấp, cụ thể như sau:
Tiền lương tháng hiện hưởng với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động = Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp x Mức lương cơ sở + Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo x Mức lương cơ sở + Mức tiền các khoản phụ cấp tính theo lương, ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp
Tiền lương tháng hiện hưởng với người làm công tác cơ yếu = Hệ số lương theo cấp bậc hàm cơ yếu hoặc bậc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện hưởng x Mức lương cơ sở + Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo x Mức lương cơ sở + Mức tiền các khoản phụ cấp tính cấp bậc hàm cơ yếu hoặc bậc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện hưởng và hệ số chênh lệch bảo lưu lương
Lương cơ sở được sử dụng để tính toán là mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm tháng trước liền kề tháng nghỉ việc. Hiện tại, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, mức lương cơ sở này có thể thay đổi theo quy định của Chính phủ.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)