Cách nhận biết vạch kẻ đường cấm đỗ xe, dừng xe
Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT hiện đang quy định 2 loại vạch kẻ đường cấm đỗ xe, dừng xe gồm vạch 6.1: “Vạch cấm đỗ xe trên đường” và vạch 6.2: “Vạch cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên đường”.
Vạch 6.1 - “Vạch cấm đỗ xe trên đường” là vạch đứt khúc màu vàng được sơn tại một trong 2 vị trí sau:
1. Trên bó vỉa sát mép mặt đường phía cấm đỗ xe.
Bề rộng phần sơn vàng của vạch 6.1 được lấy bằng bề rộng viên đá vỉa hoặc tối thiểu 15 cm. Ngoài ra bề rộng phần sơn vàng được kéo dài trên toàn bộ mặt vát hoặc mặt đứng của viên đá vỉa phía tiếp giáp với mặt đường.
2. Trên mặt đường khi không có bó vỉa sát mép mặt đường.
Vạch 6.1 được sơn trên mặt đường phía cấm đỗ xe, cách mép mặt đường 30 cm với bề rộng vạch là 15cm.
Vạch 6.1 - “Vạch cấm đỗ xe trên đường”. (Ảnh minh họa)
Vạch 6.2 - "Vạch cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên đường" là vạch nét liền màu vàng được sơn tại các vị trí sau:
1. Trên bó vỉa sát mép mặt đường phía cấm dừng xe hoặc đỗ xe.
Khi vạch 6.2 được bố trí trên bó vỉa, bề rộng phần sơn vàng được lấy bằng bề rộng viên đá vỉa hè hoặc tối thiểu 15cm. Ngoài ra bề rộng phần sơn vàng được kéo dài trên toàn bộ mặt vát hoặc mặt đứng của viên đá vỉa phía tiếp giáp với mặt đường.
2. Trên mặt đường phía cấm dừng/đỗ xe khi không có bó vỉa sát mép mặt đường.
Vạch 6.2 được sơn cách mép mặt đường 30cm với bề rộng là 15cm.
Vạch 6.2 - "Vạch cấm dừng xe, cấm đỗ xe trên đường". (Ảnh minh họa)
Ý nghĩa vạch cấm đỗ xe, dừng xe trên đường
Vạch 6.1 có ý nghĩa báo hiệu không được phép đỗ xe bên đường. Vạch này được sử dụng độc lập hoặc phối hợp với ký hiệu chữ “Cấm đỗ xe” trên mặt đường và biển báo “Cấm đỗ xe”.
Ngoài ra, tùy vào nhu cầu về giao thông ở từng đoạn đường mà có thể đặt thêm biển báo phụ ghi rõ thời gian cấm đỗ xe và phạm vi, đối tượng cấm đỗ xe.
Vạch 6.2 có ý nghĩa báo hiệu không được phép dừng xe, đỗ xe bên đường. Vạch này có thể sử dụng phối hợp với ký hiệu chữ “cấm dừng, đỗ xe” trên mặt đường và biển báo “Cấm dừng, đỗ xe”.
Ngoài ra, tùy vào nhu cầu về giao thông ở từng đoạn đường mà có thể đặt thêm biển báo phụ ghi rõ thời gian cấm dừng đỗ xe và phạm vi, đối tượng cấm dừng đỗ xe.
Mức phạt khi đỗ xe ô tô tại nơi có vạch kẻ cấm đỗ xe
Theo Điều 9 Luật Giao thông đường bộ 2008, chủ phương tiện trong quá trình lưu thông phải chấp hành đúng quy định về báo hiệu đường bộ, bao gồm cả hiệu lệnh, tín hiệu đèn, vạch kẻ đường, biển báo tường rào hoặc cọc tiêu.
Trong trường hợp xuất hiện vạch kẻ cấm đỗ xe, chủ xe cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của từng loại vạch. Nếu vi phạm, cá nhân sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành của pháp luật.
Căn cứ điểm a khoản 1 và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt do dừng, đỗ sai khu vực là 300.000 - 400.000 đồng, đồng thời tịch thu Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng nếu gây tai nạn.
Phân biệt với vạch 3.1
Theo quy chuẩn 41/2019 về báo hiệu đường bộ, loại vạch liền được gọi là vạch 3.1, khi kẻ sát vỉa hè, có tác dụng giới hạn mép ngoài phần đường xe chạy.
Ngoài ra, loại vạch này còn được sử dụng trong trường hợp khác như phân cách làn xe cơ giới và làn xe thô sơ, tuy vậy, khi ấy vạch sẽ được vẽ cách xa lề đường tối thiểu 1,5m.
Về quy cách vẽ, vạch được sơn trắng, rộng 15cm, mép ngoài cùng của vạch cách mép ngoài cùng phần xe chạy từ 15-30cm. Vạch này hay được vẽ sát vỉa hè trong đô thị, ở các tuyến quốc lộ, cao tốc, vạch này còn xuất hiện ở bên trái, sát dải phân cách.
Chỉ những đường có bề rộng phần xe chạy từ 7m trở lên hoặc trong trường hợp cần thiết mới kẻ vạch này.
(Ảnh minh họa).
Nhiều người cho rằng, vạch liền trắng như trong ảnh trên là để cấm dừng, đỗ, nhưng đây là ý kiến không chính xác. Không có văn bản luật nào tại Việt Nam quy định điều này. Vạch 3.1 không có tác dụng cấm dừng, đỗ.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)