Người Ai Cập cổ đại nổi tiếng vì yêu thích mèo. Bằng chứng là những bức tượng lớn hơn cả kích thước con người đến những đồ trang sức tinh xảo đã tồn tại qua hàng nghìn năm kể từ khi các Pharaoh cai trị sông Nile.
Người Ai Cập cổ đại cũng đã ướp xác rất nhiều con mèo thậm chí, “nghĩa trang thú cưng” đầu tiên trên thế giới cũng được tìm thấy ở đây. Đó là một khu mộ gần 2000 năm tuổi chôn cất những con mèo đeo vòng cổ bằng sắt và cườm đặc biệt.
Không chỉ vậy, theo nhà sử học Hy Lạp cổ đại nổi tiếng Herodotus, người Ai Cập còn cạo lông mày để thể hiện sự tôn trọng khi thương tiếc một con mèo mà gia đình họ đã nuôi.
Nhưng tại sao, người Ai Cập cổ đại lại “cuồng” mèo đến vậy?
Phần lớn sự tôn kính này là do người Ai Cập cổ đại nghĩ rằng các vị thần và những người cai trị của họ có phẩm chất giống mèo, theo một cuộc triển lãm năm 2018 về tầm quan trọng của mèo ở Ai Cập cổ đại được tổ chức tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Châu Á Smithsonian ở Washington, DC.
Mèo được coi là sở hữu hai tính cách đáng mơ ước: một mặt nó có thể bảo vệ, trung thành và có thể thuần hóa, nhưng mặt khác chúng cũng hiếu chiến, độc lập và hung dữ.
Đối với người Ai Cập cổ đại, điều này khiến mèo dường như là những sinh vật đặc biệt đáng được chú ý và điều đó có thể giải thích tại sao họ xây dựng những bức tượng giống mèo. Tượng Nhân sư Lớn (Great Sphinx) ở Giza, tượng đài dài 73m có khuôn mặt người và thân sư tử, có lẽ là ví dụ nổi tiếng nhất về những bức tượng như vậy mặc dù trên thực tế, các nhà sử học không chắc chắn chính xác tại sao người Ai Cập lại mất công tạc tượng nhân sư.
Tương tự như vậy, nữ thần sức mạnh - Sakhmet được miêu tả là có đầu sư tử trên cơ thể của một người phụ nữ. Bà được biết đến như một vị thần bảo vệ, đặc biệt là trong những khoảnh khắc chuyển giao, như bình minh và hoàng hôn.
Một trong những vị thần đầu tiên của Ai Cập cổ đại là nữ thần Mafdet, người rất được tôn sùng bởi những người Ai Cập cổ đại muốn tìm kiếm một sự bảo vệ chống lại các loài động vật có nọc độc như rắn và bọ cạp.
Mafdet được xây dựng với nhiều hình dạng mèo hung dữ, thường là một phụ nữ với đầu sư tử, báo đốm hoặc mèo nhà. Vì mèo có thể bảo vệ họ chống lại những rắn, chuột - những con vật đe dọa sự an toàn của những ngôi nhà ở Ai Cập cổ đại, Mafdet được coi là thần bảo vệ ngôi nhà và của chính quốc gia.
Sau này, trong lịch sử Ai Cập, nữ thần Bastet đã thay thế Mafdet để trở thành nữ thần mèo được lựa chọn. Giống như Mafdet, bà được coi là người bảo vệ cho ngôi nhà (và đặc biệt là trẻ em và hoàng gia), phần lớn là do khả năng giết rắn, bọ cạp và các loài sâu bọ nổi tiếng của loài mèo. Những người thờ phụng Mafdet gọi bà là “Con mắt của Ra” (Ra là thần Mặt Trời của Ai Cập) và tin rằng bà sẽ bảo vệ Ai Cập khỏi sự xâm lược.
Khi người Ai Cập thực sự thuần hóa được loài mèo, khiến chúng trở thành những thành viên được coi trọng trong gia đình hơn là chỉ là những con vật bán hoang rình rập và bảo vệ ngôi nhà của chủ nhân, hình ảnh của Bastet trở nên mềm mại hơn rất nhiều.
Bà trở thành nữ thần của gia đình, khả năng sinh sản và tình yêu. Người Ai Cập bắt đầu coi những con mèo của họ như những thành viên đáng yêu, quan trọng trong gia đình họ và đối xử với chúng bằng sự tôn trọng và yêu thương như con cái của họ.
Những người thờ thần Bastet sẽ ướp xác mèo của họ và thương tiếc chúng giống như cách họ thương tiếc các thành viên trong gia đình, giống như cách chúng ta - những người yêu mèo thương tiếc vì một sự ra đi nào đó của các thành viên “lông xù” của chúng ta ngày nay.
Mèo được yêu mến đến mức người Ai Cập cổ đại đã đặt tên hoặc đặt biệt danh cho con cái của họ theo tên mèo, trong đó có tên “Mitt” (tiếng Ai Cập có nghĩa là mèo) dành cho các bé gái, theo Đại học College London.
Không rõ mèo được thuần hóa xuất hiện ở Ai Cập khi nào, nhưng các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những ngôi mộ của mèo và mèo con có niên đại từ năm 3800 trước Công nguyên (TCN), theo Live Science.
Nhưng theo science.org, mèo không có nguồn gốc từ Ai Cập. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một con mèo được chôn cùng với một con người khoảng cách 9.500 năm ở Síp, một hòn đảo thuộc Địa Trung Hải không gần Ai Cập. Như vậy, mèo đã sống với con người sớm hơn nhiều so với sự tồn tại của Ai Cập.
Tuy nhiên, có thể, người Ai Cập là những người đầu tiên trên thế giới thuần hóa mèo, biến chúng từ mèo hoang thành mèo nhà.
Cuối cùng, ngoài việc coi mèo như một thần linh và con vật có ích, còn có bằng chứng cho thấy người Ai Cập còn nuôi mèo vì mục đích sốc hơn, đó là hiến tế.
Theo Livescience, có khả năng toàn bộ ngành công nghiệp dành cho việc nhân giống hàng triệu con mèo con đã bị giết và ướp xác để mọi người có thể chôn cất cùng với chúng, phần lớn là từ khoảng năm 700 TCN đến năm 300 sau CN. Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Scientific Reports năm 2022, các nhà khoa học đã tiến hành quét X-quang micro-CT trên xác ướp động vật và một trong số đó là mèo.
“Đó là một con mèo còn rất nhỏ, chưa đầy 5 tháng tuổi và cổ của nó bị ai đó cố tình bẻ gãy”, giáo sư Richard Johnston tại Đại học California, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
“Chúng đã bị nuôi vì mục đích hiến tế, nó khá công nghiệp, sẽ có những trang trại chuyên bán mèo”, ông Johnston cho biết.
Theo Mary-Ann Pouls Wegner, phó Giáo sư Khảo cổ học Ai Cập tại Đại học Toronto đã cho biết sinh vật này được dùng làm vật hiến tế cho các vị thần của Ai Cập cổ đại. Đó là một cách để xoa dịu hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các vị thần bên cạnh những lời cầu nguyện bằng lời nói.
Thanh Ngọc (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)