Đám cưới là một ngày trọng đại của mỗi con người. Chính vì vậy, cần phải chuẩn bị nhiều thứ cho ngày này từ dọn dẹp nhà của, chuẩn bị các món ăn đãi khách, phông rạp, thiệp mời... Đặc biệt, một việc vô cùng quan trọng không thể thiếu trong đám cưới là trang trí cho bàn thờ gia tiên của 2 bên cô dâu và chú rể.
Những việc cần làm để trang trí bàn thờ ngày cưới
Việc trang trí cho bàn thờ gia tiên thật đẹp và trang trọng trong ngày cưới chính là một cách để tỏ lòng thành kính của con cháu đối với các bậc tổ tiên. Ngoài ra, nhiều người cũng quan niệm rằng, việc chú trọng trang trí, dâng lễ cho Tổ tiên sẽ giúp cô dâu - chú rể được hạnh phúc viên mãn. Vậy, gia đình nội ngoại cần chuẩn bị làm những việc như sau:
- Lau bàn thờ: Trước khi tiến hành trang trí cho bàn thờ thì bạn cần phải lau dọn thật sạch sẽ cho bàn thờ gia tiên, loại bỏ tất cả các bụi bẩn trên bàn thờ.
- Lựa chọn hoa quả tươi: hoa quả được sử dụng để bày trí trên bàn thờ ngày cưới yêu cầu phải là hoa quả tươi.
Khi trang trí bàn thờ tổ tiên, đặc biệt là việc cắm hoa trên bàn thờ ngày cưới bạn cần phải tìm hiểu thật kỹ về các loài hoa được phép cắm trên bàn thờ. Không phải loại hoa nào cứ tươi là có thể được cắm trên bàn thờ. Thông thường các loại hoa thường được mọi người lựa chọn để cắm trên bàn thờt trong ngày cưới là hoa lay ơn, hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa sen….
Khi lựa chọn hoa để trang trí cho bàn thờ ngày cưới thì bạn cần phải chọn các loại hoa tươi, hoa chưa thể mở bung thì mới có thể giữ được lâu, ít rụng cánh. Tuy nhiên cũng tùy vào từng vùng miền khác nhau mà bạn cũng nên lựa chọn hoa cho phù hợp, đồng thời nên chọn hoa theo mùa để giảm chi phí vì nếu lựa chọn hoa trái mùa thường sẽ có giá rất cao.
Những điều cần lưu ý khi cắm hoa bàn thờ ngày cưới
Bạn đừng nghĩ rằng việc cắm hoa trên bàn thờ ngày cưới là một việc rất đơn giản nhé. Phức tạp hơn bạn nghĩ rất nhiều đó. Khi cắm hoa trên bàn thờ bạn cần lưu ý tới một số vấn đề sau:
- Số lượng hoa: Bạn đã bao giờ nghĩ đến việc mình cần phải cắm bao nhiêu hoa trên bàn thờ hay chưa? Chắc hẳn bạn nghĩ rằng hoa thì cần phải cắm theo số lẻ mới đẹp đúng không. Ngày thường thì có thể bạn cắm như thế cũng được. Nhưng trong ngày cưới thì không thế bạn nhé. Dù là bạn chọn cắm 1 loại hoa hay nhiều loại hoa nhưng cần chú ý rằng số lượng hoa cần phải là số chẵn nhé. Số chẵn tượng trưng cho ý nghĩa có đôi có cặp, ngầm thay lời chúc phúc cho cặp tân lang, tân nương.
Số lượng hoa cắm trên bàn thờ phải là số chẵn.
- Tôn trọng kiểu trang trí đối xứng: Khi cắm hoa trên bàn thờ trong ngày cưới thì bạn cần phải tôn trọng yếu tố đối xứng trên bàn thờ. Nên cắm 2 bình hoa và đặt ở vị trí đối xứng nhau mang ý nghĩa có đôi, có cặp, xứng đôi vừa lứa.
Nên cắm hoa bình hoa đặt ở vị trí đối xứng nhau trên bàn thờ.
- Về cách cắm hoa: Bạn có thể cắm hoa về một phía, hoặc theo 4 mặt tùy theo sở thích của bạn.
Ngoài ra bạn cần phải tránh lựa chọn những loại hoa sau đây để cắm ngày cưới:
- Hoa dâm bụt: Mặc dù có màu sắc sặc sỡ, đẹp và rất phổ biến ở các vùng miền, nhưng loài hoa này thường không được lựa chọn để cắm trên bàn thờ vì theo quan niệm dân gian cho rằng loài hoa này thiếu đứng đắn.
- Hoa ly trắng: Mặc dù rất đẹp, nhưng loài hoa này mang ý nghĩa chia buồn. Theo quan niệm thì chữ Ly mang ý nghĩa của sự chia ly, chính vì thế hoa ly không bao giờ được người dân nam bộ lựa chọn để trang trí trên bàn thờ vào ngày cưới.
- Cúc vạn thọ: Tại sao loài hoa này không được lựa chọn để cắm trên bàn thờ vào ngày cưới? Theo tiếng Hy Lạp cổ thì loài hoa này có nghĩa là “ bông hoa của người chết”, còn ở Việt Nam cúc vạn thọ thường được sử dụng để trang trí trong các đám ma.
- Phù dung: Phù dung là một loài hoa vô cùng đẹp, nhưng chóng tàn và gắn với một tích chuyện buồn, cho nên loài hoa này không được lựa chọn để cắm trên bàn thờ trong ngày cưới.
- Hoa lài: Khi nhắc tới loài hoa này, mọi người thường nghĩ đến một ý nghĩa tiêu cực, cho nên không lựa chọn nó để cắm trên bàn thờ.
Ngoài hoa quả thì cần chuẩn bị lễ vật nào thêm để đặt lên bàn thờ gia tiên?
Miền Bắc: Bàn thờ cho lễ gia tiên là bàn thờ chính của gia đình, trước buổi lễ cần dọn dẹp sạch sẽ, có thể phủ thêm vải đỏ và câu đối. Trên bàn thờ phải có một mâm ngũ quả, có thể kết hình long phụng cho thêm phần long trọng, hoa tươi - thường là hoa lay ơn, một đĩa xôi gấc đỏ, nhiều nhà còn chuẩn bị heo quay hoặc đầu heo. Ngoài ra, khi nhà trai rước được cô dâu về nhà, sẽ mang một phần mâm quả của tráp xin dâu, thường gọi là mâm lại quả và không có trầu cau, rượu, về sẽ thắp hương trên bàn thờ.
Miền Trung: Lễ cưới hỏi của người miền Trung thường đơn giản, không cầu kỳ với quan niệm "trọng lễ nghi khi tài vật". Thường bàn lễ gia tiên được chuẩn bị rất chu đáo và cẩn thận, mâm lễ cúng sẽ có đầy đủ trầu cau, rượu trà, nến tơ hồng và không thể thiếu bánh phu thê. Đàng trai nếu khá giả thì mâm lễ sẽ có thêm bánh kem và bánh dẻo.
Miền Nam: Với người miền Nam, lễ cưới là một dịp vô cùng quan trọng, yếu tố thẩm mỹ và lễ nghi đều được đặt lên cao. Thường các gia đình sẽ lập một bàn thờ giả ngay tại phòng khách rộng rãi nhất để đảm bảo được sự trang trọng. Bàn thờ gia tiên sẽ được treo phông đỏ, treo chữ hỷ và câu đối, cặp lư đồng đã được đánh bóng kỹ trước đó, cặp mâm quả hình long phụng kết tỉ mỉ, bình hoa lớn. Trên bàn thờ cũng có thể để ảnh tổ tiên, ông bà hoặc có thể bỏ trống, bày sẵn mâm ngũ quả... hoặc cầu kỳ hơn, có thể đặt mâm trái cây hình long phụng để bàn thờ thêm đẹp mắt.
Lễ gia tiên miền Nam còn đặc biệt ở chỗ không thể thiếu một phụ kiện cưới, đó là cặp đèn cầy lớn khắc hình long phụng. Nhà trai sẽ chuẩn bị đôi đèn cầy này đặt trong mâm tráp đem qua nhà gái, nhà gái sẽ chuẩn bị sẵn một cặp chân nến và thắp trên bàn thờ tổ tiên trong ngày đón dâu. Để chân và đèn cầy khớp nhau, hai nhà nên thống nhất trước kích cỡ, để khi làm lễ gia tiên không mắc phải những điều sai sót. Theo quan niệm tâm linh của người miền Nam, khi thắp đèn cầy (nến) trên bàn thờ như vậy, tình yêu của đôi trẻ cũng sẽ hạnh phúc, ấm áp như ngọn lửa đèn cầy. Thông thường, đèn cầy của người theo đạo Phật hoặc không theo đạo là đèn cầy long phụng màu đỏ, đèn cầy của người theo đạo Thiên Chúa thường là màu hồng.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)