Cá biển là thực phẩm ít chất béo, giàu Omega-3, Vitamin và khoáng chất, dầu cá rất tốt cho mắt và trí não, và nhiều lợi ích sức khỏe khác…
Tuy nhiên, nếu không biết cách chọn có thể mua nhầm cá nhiễm hóa chất độc hại. Cá biển có thể bị nhiễm độc ciagutera. Đây là một chất không mùi, không vị, không bị phá hủy trong quá trình đun nấu, bền vững trong môi trường muối và axit. Chất này có nguồn gốc từ một số vi tảo sống ở đáy biến. Nó thường có trên các loài tảo lớn hoặc rong biển ở khu vực rạn san hô.
Biểu hiện ngộ độc do ăn phải cá biển có ciaguatera gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, xảy ra trong khoảng 2-6 giờ đầu sau ăn. Nếu bị ngộ độc nhẹ thì 1-4 ngày sau có thể tự khỏi. Ngoài ra, ngộ độc ciguatera có thể gây ra nhịp tim chậm, tụt huyết áp. Các triệu chứng về thần kinh có thể gặp là dị cảm, tê, ngứa ran tứ chi, đau cơ, đau khớp, lo lắng, trầm cản, rối loạn về thay đổi nhiệt độ nóng/lạnh...
Một kiểu ngộ độc khác khi ăn cá biển là ngộ độc histamin. Hải sản tươi sống vốn không chứa histamin nhưng nếu không được bảo quản đúng cách thì thịt hải sản sẽ chuyển hóa và sản sinh ra chất độc histamin. Chất này bền vững khi nấu chín. Trong hải sản, khi hàm lượng histamin lên trên 50mg/100 gram thịt thì có thể gây ngộ độc.
Biểu hiện ngộ độc histamin có thể xuất hiện sau khi ăn vài phút tới 4 giờ. Các biểu hiện có thể là đau đầu, đỏ da, ngứa, nóng bừng, khó chịu, khó thở, trống ngực, mạch nhanh, tụt huyết áp...
Mẹo chọn cá biển tươi ngon, tránh ngộ độc:
Hải sản phải mua tươi sống. Không nên mua hải sản từ những vùng nước đang bị ô nhiễm nặng. Hải sản sống trong vùng nước ô nhiễm thường có màu sắc khác lạ.
Về kích cỡ, bạn chỉ nên chọn những con cá cỡ vừa, không mua các kích thước quá lớn, nhất là cá biển.
Khi mua, nhất định phải kiểm tra kỹ phần mang cá. Mang là cơ quan hô hấp của cá, Phần lớn các chất độc sẽ tập trung ở bộ phận này. Mang cá không sáng trơn, hơi thô, màu đậm là dấu hiệu không tốt, không nên mua.
Cá có hình dạng không cân đối, lưng cong gù, thậm chí có u, da bị vàng, đuôi xanh là cá bị nhiễm độc nặng.
Cá có mùi khó chịu, mùi giống như hóa chất thì không nên mua.
Không mua các bị nhớ. Khi ấn tay dọc thân cá thấy thịt săn chắc, có độ đàn hồi tốt thì đó là cá tươi.
Không mua cá có vây mủn, long vảy thành đám vì đó là dấu hiệu cho thấy các bị nhiễm khuẩn nặng. Mình cá có nhiều vết xây xước, có đốm đỏ, trong loang lổ thì không nên mua.
Khi chế biến cá, cần loại bỏ phần lòng vì đây là nơi chứa nhiều vi khuẩn, có thể ngấm nhanh vào thịt cá. Cần sơ chế cá thật sạch và nấu chín kỹ trước khi ăn.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)