Vải thiều đang vào chính vụ tuy nhiên trời nóng vải lại nhanh bị khô vỏ, giảm chất lượng. Một số lưu ý dưới đây giúp việc bảo quản vải được lâu.
Chọn vải tươi ngon
Chọn vải thiều là bước quan trọng để đảm bảo trái vải được tươi ngon và giữ lâu. Các dấu hiệu nhận diện như quả vải màu hồng đỏ, kích thước nhỏ vừa, đều nhau, tròn căng, cuống tươi nhỏ, cành còn lá xanh. Thường quả màu đỏ hồng là ở phía trên của cây nên hứng đẫy nắng, mã đẹp và ngọt hơn chút so với quả màu nhạt do ở dưới thiếu nắng. Không mua vải sần sùi, có nốt đen là bọ xít đã châm hoặc cuống có lỗ nhỏ thường bị sâu đầu, nhạt, kém ngon.
Mẹo bảo quản vải thiều
1. Bọc giấy báo
Cách thực hiện: Cắt cuống vải thiều, gói bằng 2 lớp giấy báo dày, bọc bên ngoài 1 lớp nylon kín và cất vào ngăn mát tủ lạnh.
Lưu ý: Cách này có thể bảo quản vải khoảng 2 tháng nhưng đôi khi vải bị hấp hơi và một vài quả có thể bị hỏng.
2. Ngăn đông tủ lạnh
Cách thực hiện: Bảo quản vải trong ngăn đông tủ lạnh với các bước như đã hướng dẫn ở trên. Cách này giúp vải giữ được độ tươi ngon lâu hơn, đặc biệt khi mua nhiều vải mà không dùng hết.
Lưu ý: Nếu muốn tiết kiệm diện tích, có thể bóc vỏ vải, cho vào hộp, rắc thêm ít đường và ngâm trong ngăn mát tủ lạnh.
3. Sử dụng túi zip
Cách thực hiện: Chia nhỏ vải vào túi nilon hoặc túi zip, bọc kín và cất vào tủ lạnh.
Lưu ý: Bạn có thể sử dụng máy hút chân không để loại bỏ không khí trong túi, giúp bảo quản vải lâu hơn và tiện lợi khi vận chuyển.
4. Xay hoặc ép vải thành nước
Cách thực hiện: Bóc vỏ, tách cùi và xay hoặc ép lấy nước. Đổ nước vào chai, để trong ngăn lạnh dùng dần.
Lưu ý: Thêm đường tùy khẩu vị. Để lâu hơn, đổ nước vải vào khay đá, để đông và dùng dần.
5. Phơi hoặc sấy khô
Cách thực hiện: Rửa sạch vải, cắt ngắn cuống và phơi khô tự nhiên trong 9-10 ngày hoặc sấy khô trong lò nướng, lò vi sóng.
Lưu ý: Vải sấy khô có hương vị ngon ngọt, thịt dẻo mềm, là món ăn vặt tuyệt vời.
Mẹo ăn vải không bị nóng trong người
Ăn cả lớp màng trắng bọc ngoài
ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198, Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng) cho biết khi ăn trái vải, chúng ta có thể ăn luôn lớp màng trắng bọc ngoài để giảm nóng trong người.
Lớp màng trắng là lớp màng bọc bên ngoài cơm vải khi bóc vỏ cứng ra. Khi ăn vải và cả lớp màng này, cơ thể sẽ hạn chế sinh nhiệt. Tuy có vị hơi chát nhưng nếu ăn cùng với cơm vải thì sẽ thấy ngon và ngọt hơn bạn nhé!
Trước khi ăn vải uống chút nước muối hoặc ngâm vải qua muối
Để hạn chế việc bị nóng trong người do ăn vải, bạn có thể uống chút nước có thêm muối, hoặc canh bí đao, chè đậu xanh, trà thảo mộc lạnh,... trước khi ăn vải. Bên cạnh đó, nếu ăn vải sau khi ăn cơm, cơ thể bạn sẽ tích trữ một lượng muối qua thức ăn nên sẽ không lo việc bị nóng trong người nữa.
Một cách khác bạn cũng có thể thử chính là ngâm phần quả vải chỉ còn cùi vào nước muối loãng khoảng 1 tiếng. Bạn cũng có thể vớt ra cho vào hộp bảo quản kín rồi để ngăn đá tủ lạnh và lấy ra ăn bất cứ khi nào muốn.
Không ăn quá nhiều vải một lúc
Nếu ăn quá nhiều vải một lúc bạn sẽ có thể có các biểu hiện như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, toát mồ hôi, tim đập nhanh, cổ họng khô rát,... Vì vậy, với người lớn chỉ nên ăn khoảng 10 trái, còn trẻ nhỏ chỉ nên ăn khoảng 3 - 4 quả trong một lần.
Đặc biệt, người mắc các bệnh như tiểu đường, thủy đậu, lẹo mắt, rôm sảy cần hạn chế tối đa việc ăn vải để tránh gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)