Cá sấu không xa lạ với nhiều người nhưng cá sấu với toàn thân trắng toát thì thuộc loại "cực hiếm". Vậy mà theo như dân tình đồn thổi gần đây, chiếc túi Hermès Himalayan Crocodile Birkin của hãng xa xỉ phẩm Hermès lại được làm từ da của chính những con cá sấu này. Nghe cũng hợp lý, vì Hermes Himalayan Crocodile Birkin là một trong những chiếc túi "đắt đỏ bậc nhất thế giới", với giá trị về tay ước tính khoảng 2,5 tỉ đồng. Mà cũng chỉ một số ít đại gia "đếm trên đầu ngón" tay là được sở hữu nó thôi.
Cá sấu bạch tạng là cá gì?
Theo Telegraph, cá sấu sông Nile (crocodile) trắng là một trong những động vật hiếm nhất trên thế giới, hiện tại mới chỉ có 12 cá thể được ghi chép. Cá sấu trắng có thể do bạch tạng, hoặc leucistic - một bệnh về gene, làm suy giảm sắc tố trên cơ thể. Ở những cá thể có hiện tượng leucistic thì chúng chỉ có một ít sắc tố ở miệng, chóp đuôi và có mắt màu xanh biếc (thay vì đỏ như ở bạch tạng).
Trong khi đó, số lượng cá sấu bạch tạng bình thường cũng thuộc loại hiếm hoi. Trong số hơn 2 triệu cá sấu (aligator) ở Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 40 - 50 cá thể bị chứng bạch tạng mà thôi. Giống như nhiều loài động vật bạch tạng khác, với làn da nhạy cảm của mình cá sấu bạch tạng rất sợ ánh sáng Mặt trời và dễ bị ung thư da nếu phơi nắng. Vì thế chúng luôn trốn trong bóng tối.
Theo các chuyên gia, việc duy trì các loài động vật bạch tạng, đặc biệt là cá sấu bạch tạng là cực khó khăn bởi màu da nổi bật khiến chúng dễ bị kẻ thù phát hiện, và chỉ tiếp xúc với ánh Mặt trời chút thôi cũng gây hại cho chúng rồi. Chính vì thế, gần như số lượng cá sấu bạch tạng sống ngoài tự nhiên "gần như bằng 0" mà chúng được đưa vào để nuôi dưỡng và chăm sóc trong điều kiện nuôi nhốt.
Khu thủy sinh học Mỹ tại New Orleans đã từng nuôi giữ một chú cá sấu trắng có chứng leucistic, được tìm thấy tại đầm lầy Louisiana vào năm 1987. Tuy nhiên, chú đã qua đời vào tuổi 28 vào năm 2015.
Cá sấu bạch tạng hiếm đến mức nào?
Bạch tạng là tình trạng hiếm gặp xảy ra trên con người và các loài động vật. Cá sấu cũng không ngoại lệ. Cá sấu là một trong những loài cổ xưa nhất còn sống trên trái đất, với dòng dõi có niên đại lên đến hơn 200 triệu năm. Hiện cá sấu được chia thành 3 họ chính, bao gồm Crocodylidae (cá sấu thật sự), Alligatoridae (cá sấu mõm ngắn và cá sấu caiman), và Gavialidae (cá sấu Ấn Độ hay còn gọi là cá sấu mõm dài).
Tất cả những loài cá sấu đều có khả năng sinh ra con non bị bạch tạng, nhưng tình trạng này rất hiếm gặp. Những con cá sấu bị mắc chứng bạch tạng nổi bật với làn da trắng toát và mắt hồng hoặc đỏ rực. Tỷ lệ mắc bạch tạng ở cá sấu ước tính đạt 1/50 triệu cá thể, nghĩa là cứ khoảng 50 triệu con cá sấu chào đời trên thế giới chỉ có một con bị mắc chứng bạch tạng.
Các nhà khoa học ước tính hiện chỉ có khoảng 100 đến 200 cá thể mắc chứng bạch tạng trên toàn cầu, trong đó nhiều con đang sống trong môi trường nuôi nhốt.
Trong thế giới tự nhiên, cá sấu bạch tạng gặp nhiều khó khăn để sinh tồn vì chúng thiếu khả năng ngụy trang, dễ bị nhận thấy trong môi trường sống khiến chúng gặp khó khăn trong việc săn mồi. Bên cạnh đó, cá sấu bạch tạng cũng có nguy cơ mắc ung thư da cao hơn vì chúng thiếu lớp bảo vệ melanin mà cá sấu bình thường có.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)