Ngày nay, giao dịch chuyển tiền online qua ứng dụng ngân hàng đã trở nên rất phổ biến với người dùng. Chẳng cần mang tiền mặt, chỉ cần cầm điện thọa bên mình là bạn có thể chuyển tiền một cách nhanh gọn. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp chuyển tiền qua tài khoản cho người này nhưng lại chuyển nhầm sang cho người khác. Nếu một ngày, tài khoản ngân hàng của bạn bỗng nhận được một khoản tiền mà không rõ người gửi, bạn cần phải làm gì?
Theo cơ quan công an, khi chủ tài khoản bỗng dưng nhận được một khoản tiền "chuyển nhầm" cho mình thì không sử dụng số tiền ấy vào việc chi tiêu cá nhân mà nên liên hệ với ngân hàng hoặc cơ quan công an để giải quyết. Nếu đó là tiền chuyển nhầm thật, đại diện ngân hàng sẽ liên hệ để làm việc.
Nếu là số tiền nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại. Đối với số tiền lớn thì chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh.
Đặc biệt, nếu có một người lạ liên hệ thông báo họ là người chuyển khoản nhầm và yêu cầu người nhận phải chuyển khoản trở lại thì cần hết sức cảnh giác vì theo quy định, ngân hàng sẽ không cung cấp thông tin cá nhân của khách hàng (số điện thoại, địa chỉ) cho bất kỳ ai. Ngân hàng cũng không được tự ý hoàn trả số tiền chuyển nhầm khi chưa được sự đồng ý của chủ tài khoản nhận tiền. Trong trường hợp này, người nhận cần liên hệ với phía ngân hàng để đối chiếu, xác thực.
Khi nhận được điện thoại từ ngân hàng, chủ tài khoản cần kiểm tra xem có đúng là số của ngân hàng không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp. Không bao giờ cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password của tài khoản ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay cơ quan chức năng...
Nếu người nhận được tiền, biết là chuyển nhầm nhưng không trả lại và tự ý sử dụng tiền sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, việc không trả lại số tiền bị chuyển nhầm sẽ bị coi là chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật.
Trong đó, Điều 579 Bộ luật Dân sự nêu rõ, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, khi được người khác chuyển nhầm tiền vào tài khoản, người nhận nên liên hệ với ngân hàng để giải quyết để tránh vi phạm pháp luật.
Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép dưới 10 triệu đồng, người thực hiện vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ).
Nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép trên 10 triệu đồng, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Theo đó, nếu sử dụng, chiếm đoạt số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do được người khác chuyển nhầm, người thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu chiếm đoạt số tiền trên 200 triệu do người khác chuyển nhầm, người phạm tội có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)