Vào dịp cuối năm, không ít người xem đây là thời điểm vàng để gia tăng thu nhập, đặc biệt là đối với những ai hành nghề trong lĩnh vực dịch vụ tâm linh và phong thủy. Nhiều công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại có thể mang về hàng triệu đồng mỗi ngày, trở thành nguồn thu nhập đáng mong đợi khi Tết đến gần.
Làm mới lư đồng cho ngày Tết
Khi Tết đến gần, mỗi gia đình luôn mong muốn bàn thờ của mình được trang hoàng rực rỡ và sạch sẽ hơn bao giờ hết. Chính vì lẽ đó, dịch vụ đánh bóng lư đồng trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu trong dịp này. Các nghệ nhân sẽ sử dụng máy móc chuyên dụng để làm sáng bóng những chiếc lư đồng cùng với các món đồ thờ cúng khác.
Mức giá cho dịch vụ đánh bóng phụ thuộc vào kích thước và độ phức tạp của hoa văn trên bộ đồ thờ. Đối với một bộ lư đơn giản, thời gian làm mới khoảng hơn một giờ với chi phí dao động từ 150.000 đến 350.000 đồng. Trong khi đó, những bộ lư phức tạp hơn có thể mất tới ba tiếng, với giá từ 500.000 đến 850.000 đồng.
Trung bình, một thợ đánh bóng lư đồng có kinh nghiệm và uy tín có thể hoàn thành khoảng 300 bộ lư trong một tháng, với thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Trong dịp Tết, số lượng đơn hàng có thể tăng gấp đôi, giúp doanh thu đạt tới gần 100 triệu đồng/tháng.
Trung bình, một thợ đánh bóng lư đồng có kinh nghiệm và uy tín có thể hoàn thành khoảng 300 bộ lư trong một tháng, với thu nhập khoảng 50 triệu đồng
Dịch vụ tảo mộ thuê
Vào dịp cuối năm âm lịch, nhiều gia đình có nhu cầu "làm mới" khu mộ của người thân đã khuất. Đây cũng là thời điểm vàng mang lại thu nhập đáng kể cho những người hành nghề tảo mộ thuê. Công việc chính của họ bao gồm dọn dẹp, sửa chữa hoặc sơn lại phần mộ; bên cạnh đó, họ cũng có thể xây mới hoặc trang trí thêm cho ngôi mộ, giúp nó trở nên tươi mới hơn.
Với nghề nghiệp này, mức thù lao cho mỗi ngôi mộ dao động từ 300.000 đến 500.000 đồng. Nếu làm việc cần mẫn từ ngày 27 đến 30 âm lịch, thu nhập sẽ tăng lên, kèm theo các phần thưởng hấp dẫn. Những thợ lành nghề, chăm chỉ có khả năng kiếm trên 15 triệu đồng mỗi tháng vào dịp cuối năm.
Thầy đồ cho chữ
Cuối năm, không ít người tìm đến việc xin chữ với hy vọng năm mới mang lại nhiều điều như ý. Những chữ xin không chỉ là lời chúc tốt đẹp mà còn là ước vọng của người xin, thường thể hiện những điều như an khang, thịnh vượng, học hành tiến tới, và con cái đầy đủ. Trong quá khứ, việc cho chữ chủ yếu do các ông đồ có học vấn Nho gia đảm nhận. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều họa sĩ trẻ và những người đam mê thư pháp cũng đã tham gia vào hoạt động này, mang đến những tác phẩm độc đáo và nghệ thuật.
Người xin chữ có thể chọn viết lên bao lì xì, móc khóa hay những tấm liễn, câu đối để làm món quà ý nghĩa. Đối với những sản phẩm như móc khóa hay bao lì xì, chỉ mất khoảng 5 phút để hoàn thành, với mức giá giao động từ 10.000 – 50.000 đồng. Trong khi đó, các câu đối thường có giá từ 50.000 – 300.000 đồng, phụ thuộc vào chất liệu và công sức thực hiện.
Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong việc cho chữ đã tạo nên một nét đẹp văn hóa độc đáo trong dịp Tết. Thật thú vị phải không nào?
Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong việc cho chữ đã tạo nên một nét đẹp văn hóa độc đáo trong dịp Tết
Kinh doanh vàng mã
Mặc dù phong tục đốt vàng mã đã bị hạn chế trong thời gian gần đây, nhưng vào những dịp lễ Tết quan trọng cuối năm, người dân Việt Nam vẫn thường mua sắm vàng mã để bày biện trên bàn thờ, làm cho những ngày Tết trở nên đặc biệt hơn. Vào cuối năm, các mặt hàng vàng mã phổ biến thường bao gồm đồ Ông Công Ông Táo, tiền vàng, nến, quần áo... tất cả đều tùy thuộc vào nhu cầu của thị trường.
Khi Tết Nguyên đán đến gần, nhu cầu về vàng mã phục vụ cho đời sống tâm linh của người Việt Nam lại gia tăng đáng kể. Đây cũng là thời điểm đem lại doanh thu cao cho những cơ sở sản xuất và kinh doanh vàng mã lớn thuộc các làng nghề truyền thống nổi tiếng, với doanh thu thậm chí có thể lên tới 100 triệu đồng mỗi tháng. Đối với các tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ, doanh thu trong tháng cuối năm cũng không thể thấp hơn 30 triệu đồng.
Xông nhà, xông đất
Tục lệ tìm người xông nhà đầu năm từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa Việt Nam. Đây không chỉ là một phong tục mà còn thể hiện lòng hiếu khách và niềm mong mỏi may mắn từ gia chủ. Ngày nay, phong tục này vẫn được duy trì, đặc biệt trong giới kinh doanh. Nhiều người thường tìm kiếm những người có tuổi tác, mệnh số phù hợp, và vận may để xông nhà, với hy vọng rằng năm mới sẽ mang lại nhiều tài lộc.
Những dịch vụ xông nhà thuê thường “gõ cửa” gia đình vào đúng dịp Tết. Với trang phục của ông thần tài, họ mang đến phong bao lì xì cho gia chủ, cùng với câu thơ hoặc bài hát chúc mừng năm mới. Mức thù lao cho một lần xông nhà thường dao động từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Còn nếu sử dụng dịch vụ trọn gói, mức giá thường cao hơn, thường trên 3 triệu đồng.
Đây là một trong những nghề nở rộ vào dịp Tết, mang lại nguồn thu nhập cao trong thời gian ngắn. Mọi người đều cần đến những dịch vụ này, nhưng để kiếm được nhiều tiền, bạn cần có kinh nghiệm, sự chăm chỉ và khả năng tạo dựng niềm tin nơi khách hàng.
Nam Tường (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)