Bạn đọc H.Q., một dược sĩ với mã số V.08.08.22, hiện đang công tác tại Phòng Vật tư - Thiết bị y tế của một cơ sở y tế, đã đặt câu hỏi tới Bộ Y tế. Theo chia sẻ của bạn đọc, trước đây khi làm việc tại Khoa Dược, H.Q. được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 40% nhờ vào việc quản lý các hoạt động cung ứng, cấp phát vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm cho các khoa phòng. Tuy nhiên, khi chuyển sang Phòng Vật tư - Thiết bị y tế và tiếp tục thực hiện công việc tương tự, bạn đọc này lại không còn được hưởng mức phụ cấp trên. "Xin hỏi, tôi có đủ điều kiện được hưởng 40% phụ cấp ưu đãi nghề không?" - H.Q. băn khoăn.
Để làm rõ vấn đề này, Bộ Y tế đã trích dẫn các quy định hiện hành để đưa ra câu trả lời cụ thể và chi tiết.
Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ, quy định về phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức ngành y tế, thì:
"Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này".
Về đối tượng hưởng phụ cấp nghề 40%, Bộ Y tế đưa ra câu trả lời (Ảnh minh hoạ)
Bộ Y tế cũng dẫn chứng Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19.1.2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, trong đó quy định rõ hơn về các công việc chuyên môn y tế mà công chức, viên chức thực hiện sẽ được hưởng phụ cấp:
Công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế (xếp lương theo các ngạch viên chức có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 16 hoặc 13) để thực hiện các công việc sau:
- Khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh và phục hồi chức năng;
- Xét nghiệm phục vụ cho công tác chuyên môn y tế;
- Chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, y học hạt nhân, xạ trị;
- Giải phẫu bệnh lý;
- Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiểm dịch y tế biên giới;
- Phòng chống dịch bệnh, bệnh xã hội, y học lao động và vệ sinh môi trường y tế;
- Kiểm soát nhiễm khuẩn, an toàn sinh học; hộ lý, y công;
- Kiểm nghiệm, kiểm định, giám định;
- Pha chế, bào chế, bảo quản, cấp phát thuốc, vắc xin, hoá chất, môi trường nuôi cấy tại các cơ sở y tế;
- Nghiên cứu y dược học; chỉ đạo tuyến chuyên môn kỹ thuật y tế;
- Chuyên môn an toàn vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng tiết chế;
- Chuyên môn dân số - kế hoạch hóa gia đình;
- Bảo quản, vệ sinh, trông coi xác và nhà xác.
(Ảnh minh hoạ)
Sau khi Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn luật có hiệu lực, các quy định về ngạch và mã ngạch đã hết hiệu lực. Do đó, sau khi nhận được sự thống nhất của Bộ Nội vụ tại Công văn số 2218/BNV-TL ngày 20.5.2016 và Bộ Tài chính tại Công văn số 9102/BTC-HCSN ngày 4.7.2016, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5845/BYT-TCCB ngày 29.7.2016 hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề.
Trên cơ sở các quy định và hướng dẫn trên, Bộ Y tế khẳng định: "Trường hợp người hỏi là dược sĩ, mã số chức danh nghề nghiệp V.08.08.22 thuộc đối tượng hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP và khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC có vị trí việc làm, phân công công việc của cấp có thẩm quyền, thường xuyên, trực tiếp làm công việc theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 56/2011/NĐ-CP thì được hưởng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề 40% mà không phụ thuộc việc người hỏi làm tại Khoa Dược hay Phòng Vật tư - Thiết bị y tế."
Như vậy, theo phản hồi chính thức từ Bộ Y tế, việc dược sĩ H.Q. có được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề 40% hay không phụ thuộc vào việc người này có thường xuyên, trực tiếp thực hiện các công việc chuyên môn theo quy định hay không, chứ không phụ thuộc vào vị trí công tác cụ thể tại Khoa Dược hay Phòng Vật tư - Thiết bị y tế.
T.Hà (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)