Cách điều chỉnh nhiệt độ bình nóng lạnh
Đa số các bình nóng lạnh sẽ cho phép người dùng tự điều chỉnh nhiệt độ làm nóng nước. Thông thường, các bình nóng lạnh sẽ được cài mức nhiệt độ tối đa. Tức là khi bật bình, nước sẽ được làm nóng đến mức nhiệt độ cao nhất mà bình có thể đạt được. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, không phải lúc nào bạn cũng cần bình làm nóng nước đến nhiệt độ cao như vậy và nhiệt độ nước càng cao thì khả năng bị bỏng càng lớn. Do đó, bạn có thể điều chỉnh lại nhiệt độ làm nóng nước để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện.
Vào mùa hè, bạn không cần nước quá nóng thì có thể điều chỉnh nút nhiệt độ về mức 40 độ C. Vào mùa đông, khi nhiệt độ môi trường xuống thấp và bạn cần nước nóng hơn thì tăng nhiệt độ của bình lên khoảng 60 độ C.
Nút điều chỉnh nhiệt độ bình nóng lạnh sẽ giúp tiết kiệm điện (Ảnh minh họa)
Không để bình nóng lạnh suốt 24/24
Khi sử dụng bình nóng lạnh, bạn nên tạo thói quen bật bình trước khi sử dụng khoảng 15-20 phút rồi tắt đi. Việc này sẽ giúp nước đủ nóng để sử dụng cũng như đảm bảo an toàn, tránh tình trạng rò rỉ điện gây giật hoặc cháy nổ trong quá trình dùng.
Tránh để bình nóng lạnh suốt 24/24 vì như vậy vừa tốn điện vừa làm giảm tuổi thọ của thiết bị, tăng nguy cơ gặp phải các sự cố chập, cháy.
Sử dụng vòi hoa sen
Sử dụng vòi hoa sen sẽ tiết kiệm điện và nước hơn so với dùng bồn tắm. Nếu muốn cắt giảm chi phí sinh hoạt, lựa chọn vòi hoa sen là phù hợp.
Chọn dung tích bình nóng lạnh
Tùy theo số lượng thành viên trong gia đình mà bạn nên lựa chọn loại bình có dung tích và công suất phù hợp. Việc sử dụng bình nóng lạnh quá lớn cho gia đình ít thành viên hay bình quá nhỏ cho nhà nhiều người đều làm tăng tiêu hao điện năng, gây tốn điện.
Ví dụ, nhà có 1-2 người thì có thể lắp bình 15-20 lít. Nhà có 3-4 người thì nên dùng bình 30 lít.
Kiểm tra, bảo trì bình nóng lạnh
Bình nóng lạnh được sử dụng hàng ngày nên bạn cần chú ý đến việc kiểm tra và bảo trì thiết bị định kỳ. Cách kiểm tra bình nóng lạnh rất đơn giản. Bạn chỉ cần lấy bút thử điện để vào đường ống nước hoặc trực tiếp vào nước. Việc này giúp kịp thời phát hiện sự cố rò điện để xử lý kịp thời.
Ngoài ra, sau một thời gian sử dụng, bạn nên rửa bình và thay thanh magie (thanh tẩy cặn) bên trong bình. Thanh này được làm bằng hợp chất magie, có thể phản ứng với các tạp chất, cặn bẩn trong quá trình đun nước. Thanh magie này có tác dụng hạn chế hiện tượng ăn mòn, hoen gỉ bên trong bình chứa nước tráng men. Nhờ đó, nó làm giảm nguy cơ bình bị thủng, rò rỉ. Thanh magie cũng giúp giảm cặn bẩn bám trên thanh đốt, giúp nước được đun nóng nhanh, tăng hiệu quả hoạt động của thiết bị.
Thanh magie sẽ bị ăn mòn theo thời gian. Vì vậy, việc thay thanh magie định kỳ là điều cần thiết. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, có thể thay thanh magie sau 2 năm sử dụng. Tuy nhiên, tần suất thay thanh magie cũng phụ thuộc vào điều kiện nước và tần suất sử dụng thiết bị của gia đình. Vì vậy, bạn nên kiểm tra tình trạng của thanh magie khoảng 6-12 tháng/lần.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)