Hoa giấy là một loại cây cảnh khá phổ biến ở Việt Nam. Loài hoa này mang ý nghĩa tượng trưng cho sự mộc mạc, đơn sơ nhưng bền vững, khăng khít như những bông hoa của nó. Những cành cây gai góc và những bông hoa mỏng manh nhưng kiên cường đại diện cho hình ảnh bảo vệ cái đẹp, hướng đến điều tốt đẹp nhất.
Hoa giấy thường được trồng trước cổng nhà nhằm đón tài lộc, may mắn vừa là cảnh. Ở thành phố đất chật người đông hoa giấy thường được trồng trong chậu. Nhưng trong cách chăm sóc cũng cần có cách để hoa bền màu, tươi tốt.
Muốn hoa giấy ra hoa quanh năm, cũng cần có bí quyết.
Cách trồng hoa giấy trong chậu
Việc trồng cây hoa giấy trong chậu không hề phức tạp nên chỉ cần biết kiến thức cơ bản là có thể giúp cây sinh trưởng tốt.
Sử dụng cành giâm thì chọn các cành khỏe mạnh, trên 1-2 năm cho khỏe, dễ lớn, chiều dài lấy khoảng 20cm, mỗi đoạn lấy ít nhất từ 2 mắt cây trở lên.
Cắt vát cành, bôi vôi để khử trùng và chống nấm bệnh cho phần gốc cành. Ngâm cành trong dung dịch kích rễ chừng 5 – 10 phút.
Còn phần đầu ngọn thì dùng bao nilon để buộc lại giúp giữ nước cho cành khỏe mạnh.
Thực hiện giâm cành vào trong chậu đất với độ sâu chừng 6-10cm, nghiêng được một góc chừng 15 độ. Khi đã cắm xuống dưới đất thì vun đất quanh gốc lại cho chắc chắn, không để bị nghiêng, đổ.
Đều đặn tưới nước hàng ngày với lượng vừa đủ giữ ẩm và giúp cây hút nước tốt. Đặt chậu ở nơi thoáng mát, có ánh sáng mặt trời để quang hợp, cây ưa sáng sẽ xanh tươi hơn.
Quan sát cách cây mọc mầm, ra chồi, ngọn dài ra để có được cách chăm sóc phù hợp. Giống cây này sinh trưởng khá nhanh.
Cách chăm hoa giấy trong chậu
Tưới nước đủ cho cây trong khoảng 1-2 năm đầu, tránh để cây bị khô và héo đi.
Ánh sáng là điều kiện cần thiết với cây thì hoa giấy ưa nắng cho nên ngày ít nhất 4h có nắng. Khi không có nắng thì cây sẽ bợt, cho hoa nhạt màu, thân cây gầy và vươn cành dài không được đẹp.
Giống cây này thích hợp với điều kiện sinh trưởng bên ngoài nên có thể trồng ở sân vườn, ngoài hiên, trước cổng, trên ban công, gần cửa sổ để phát triển được đầy đủ.
Hoa giấy là giống cây chịu hạn, ưa khô nóng nhưng lại không chịu được lạnh, mưa dầm nhiều ngày. Cho nên chú ý rằng khi vào mùa lạnh cần ủ ấm cho hoa giấy để cho thân, rễ không bị hỏng và chết.
Cây này cần tỉa quanh năm để bớt rậm rạp và tạo điều kiện dinh dưỡng nuôi các cành còn lại mập, xanh, cho hoa nở đẹp.
Hoa giấy không cần bạn phải bón nhiều phân, chỉ cần bón theo đợt. Sau mỗi đợt ra hoa thì cần cắt tỉa gọn tán, thêm phân hữu cơ hoai mục. Khi có tán mới thì thêm phân NPK cho cây, chia làm 2 đợt, mỗi đợt cách nhau chừng 7-10 ngày.
Khi thấy lá rụng nhiều, hoa ra đều thì nên tưới nước trở lại để cây không bị rụng hoa, lá.
Nếu muốn hoa đẹp thì có thể thêm B1 vào cây.
Lưu ý
Sau đợt hoa đầu tiên, hãy tưới bổ sung phân NPK pha loãng để tiếp thêm dinh dưỡng nuôi cây. Ngừng tưới nước cho hoa giấy trong vài ngày, nếu cây có dấu hiệu héo, tưới thêm một ít nước cấp ẩm.
Đối với cây hoa giấy, việc cắt tỉa không chỉ tăng tính thẩm mỹ, định hình dáng cây mà còn giúp hoa giấy kéo dài tuổi thọ, giữ được màu xanh mướt. Hoa giấy thường nở hoa khi mới phát triển, khi các bông hoa hết đợt và lụi tàn, nên tỉa gọn cành và bón thúc để đợt kế tiếp cây cho hoa nhiều và tươi hơn.
Thay chậu, thay đất cho cây là cách chăm sóc hoa giấy đúng cách giúp cây luôn tươi tốt. Với những cây phát triển nhanh, rễ cây to, thân cành vươn dài, đất có biểu hiện cằn cỗi cũng cần thay chậu mới để cây có đủ diện tích phát triển tốt nhất.
Nên chuyển cây hoa giấy con qua chậu lớn vào đầu mùa xuân. Thao tác nhẹ nhàng và hạn chế động tới rễ để cây không bị sốc khi thay đổi môi trường đất. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là chỉ nên thay chậu khi cây đã lớn, không cần thiết phải đổi thường xuyên vì không thật sự cần thiết.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)