Ở tập 5 của "Tây Du Ký" phần 1, do tính tình nóng nảy hung hăng vẫn còn, sau khi đập chết tươi con hổ dữ khiến Đường Tăng sợ quá suýt ngã ngựa, Ngộ Không lại giết chết 6 tên cướp chặn đường, lột lấy quần áo và tiền bạc, cười khanh khách. Đường Tăng chứng kiến hành động này của đệ tử liền trách mắng, ai ngờ hắn bản tính ngông cuồng, hiếu thắng đã định rời bỏ sư phụ.
Trong "Tây Du Ký", Tôn Ngộ Không là nhân vật thần thông quảng đại nhưng lại rất nóng nảy, hung hăng.
Tôn Ngộ Không quá tức giận ném chiếc mũ Đường Tăng khâu xuống đất nói: "Ta hết lòng phụng sự cho thầy, ấy vậy mà giờ gánh thêm tội sát sinh. Không đến đất Phật, Lão Tôn ta cũng không cần".
Khi Ngộ Không đã bỏ Đường Tăng mà đi, Quán Âm Bồ Tát hoá thân làm bà lão, tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô bằng vàng cùng bài "Định tâm chân ngôn chú" hay còn gọi là "Khẩn cô nhi" để khống chế đồ đệ.
Vậy thực chất chiếc vòng kim cô vàng ấy có ý nghĩa gì?
Chiếc vòng kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không chính là để hắn nghe lời Đường Tăng. Bởi vì Ngộ Không tượng trưng cho tâm của Đường Tăng, nên phải quản chắc cái tâm của mình. Tâm con người dễ bị nhiễm dục niệm, bất ổn, "tâm viên ý mã".
Khi đại đồ đệ đội vòng kim cô trên đầu, nếu Đường Tăng khấn bài khấn này thì hắn sẽ phải chịu cảm giác vô cùng đau đớn. Đáng nói, dù có tài phép cỡ nào thì Tôn Ngộ Không cũng không thể tự bỏ chiếc vòng ra khỏi đầu mình. Từ đó, Đường Tăng có thể chế ngự được "Đại thánh" này. Không ngoa khi nói vòng kim cô là một trong những bảo bối mạnh nhất trong "Tây Du Ký".
Vòng kim cô là một trong những bảo bối mạnh trong "Tây Du Ký".
Vòng kim cô nằm trong bộ 3 chiếc vòng mà Quan Âm Bồ Tát đưa cho Đường Tăng. Hai chiếc vòng kia một chiếc là cấm cô nhi được đeo lên đầu Hắc Hùng Tinh (yêu tinh gấu đen), một chiếc là kim cô nhi được đeo lên cổ Hồng Hài Nhi. Vòng kim cô là chiếc nổi tiếng nhất, có tác dụng kiềm chế những người có tính cách nóng nảy, bướng bỉnh như Tôn Ngộ Không. Bài khấn "Khẩn cô nhi" đi kèm với vòng kim cô nhắc nhở con người nguyện ý quản chắc cái tâm trước khi bước vào con đường tu luyện chân chính.
Bài khấn "Khẩn cô nhi" đi kèm với vòng kim cô nhắc nhở Tôn Ngộ Không phải nguyện ý quản chắc cái tâm khi bước vào con đường tu luyện chân chính.
Có thể thấy, việc đeo vòng kim cô không phải do Quan Âm quyết định, mà là quy định do chính Như Lai đặt ra khi ngài giao bảo bối này cho đệ tử đi tìm người thỉnh kinh. Vì vậy, đeo vòng kim cô là điều kiện để thành Phật, hơn nữa để thành Phật không bao giờ là chuyện dễ dàng. Vòng kim cô là một công cụ quan trọng để kiềm chế Ngộ Không, cũng là bước quan trọng nhất để bản thân tu tâm. Tôn Ngộ Không hoang dã và khó thuần hóa, và hắn thực sự cần sự kiềm chế của vòng kim cô.
Vòng kim cô là bảo vật mà Tôn Ngộ Không ghét cay ghét đắng nhưng thực chất lại là một món quà vô giá giúp hắn thành chính quả.
Nhờ có chiếc vòng kim cô mà dần dần Tôn Ngộ Không thay tính đổi nết, biết nghe lời sư phụ hơn. Nỗi đau đớn mà chiếc vòng này mang lại là ẩn dụ cho nỗi thống khổ mà con người phải trải qua khi tu luyện. Khi Tôn Ngộ Không lấy được chân kinh, tu thành chính quả, vòng kim cô tự động biến mất cũng giống như nỗi khổ bi ai không còn, bản thân đã đạt tới cảnh giới của nhà Phật.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)