Theo các nguồn tin uy tín như CNN và BBC, đây được xem là khám phá cổ sinh vật học quan trọng nhất từ trước đến nay tại Anh. Tâm điểm của sự chú ý là hơn 200 dấu chân hóa thạch, thuộc về ít nhất 5 loài sinh vật khác nhau. Các dấu chân này tạo thành những chuỗi dài ấn tượng, có những chuỗi kéo dài tới 150 mét, vẽ nên một bức tranh sinh động về cuộc sống thời tiền sử.
Mặc dù không hoành tráng như xương hóa thạch, dấu chân lại là một nguồn thông tin vô giá cho các nhà khoa học. Chúng cung cấp cái nhìn trực tiếp vào hình dáng bàn chân, cách di chuyển, tương tác xã hội và môi trường sống của những sinh vật cổ đại.
Hé lộ "thế giới đã mất" cách đây 166 triệu năm trước
Theo nhóm nghiên cứu từ Đại học Oxford và Birmingham, khám phá này hoàn toàn là một sự tình cờ. Một công nhân vận hành máy đào cơ khí đã nhận thấy một "vết lồi bất thường" dưới lớp đất sét. Sau khi tiến hành phân tích, các nhà khoa học nhận ra đó chính là dấu tích của những bước chân từ thời kỳ khủng long.
Phân tích sơ bộ cho thấy 5 bộ dấu chân khác nhau, đại diện cho các loài sinh vật từng băng qua khu vực này. Một trong số đó được cho là dấu chân của một loài khủng long ăn thịt đáng sợ, với chiều dài lên tới 9 mét và bàn chân ba ngón đặc trưng có móng vuốt sắc nhọn. Bốn bộ dấu chân còn lại được cho là của loài Cetiosaurus, một loài khủng long chân thằn lằn ăn cỏ hiền lành, sống cách đây khoảng 161-165 triệu năm.
Trước đó, vào năm 1997, một phát hiện tương tự nhưng nhỏ hơn đã diễn ra khi 40 dấu chân được tìm thấy trong quá trình khai thác đá vôi, bao gồm một chuỗi dấu chân dài 180 mét. Tuy nhiên, khám phá mới này có quy mô lớn hơn rất nhiều, mang đến cho các nhà khoa học một lượng dữ liệu dồi dào hơn.
Để nghiên cứu chi tiết, nhóm nghiên cứu đã chụp hơn 20.000 bức ảnh và sử dụng máy bay không người lái để tạo ra các mô hình 3D về khu vực. Các mô hình này không chỉ giúp ghi lại vị trí và hình dạng của các dấu chân mà còn cho phép các nhà khoa học phân tích chúng một cách toàn diện hơn.
Theo nhà cổ sinh vật học Richard Butler từ Đại học Birmingham, các dấu chân được bảo quản tốt như vậy có thể là do một cơn bão bất ngờ ập đến, mang theo một lượng lớn trầm tích bao phủ lên các dấu chân ngay sau khi chúng được tạo ra. Lớp trầm tích này đã giúp bảo vệ chúng khỏi sự xói mòn và sự tàn phá của thời gian.
Với sự tham gia của hơn 100 nhà nghiên cứu, công việc tại hiện trường vẫn đang tiếp diễn. Những dấu chân cổ đại này hứa hẹn sẽ mang đến những hiểu biết sâu sắc hơn về thế giới đã mất và những sinh vật kỳ diệu từng thống trị hành tinh của chúng ta.
Lam Vy (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)