Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Ơ Đu (còn gọi là Tày Hạt) là dân tộc có số lượng người ít nhất. Dân tộc này sinh sống chủ yếu ở huyện Tương Dương, phía Tây tỉnh Nghệ An. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, chỉ có 376 người Ơ Đu trên cả nước, trong đó Nghệ An chiếm hơn 90%. Cái tên "Ơ Đu" trong tiếng Thái có nghĩa là "thương lắm," thể hiện sự gắn bó, yêu thương của cộng đồng.
Ơ Đu là dân tộc ít người nhất Việt Nam
Người Ơ Đu có ngôn ngữ riêng thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, ngữ hệ Nam Á. Tuy nhiên, do số lượng người ít, họ thường sử dụng tiếng Khơ Mú hoặc Thái để giao tiếp hàng ngày. Trang phục của người Ơ Đu khá đơn giản và chịu ảnh hưởng từ các dân tộc Kinh, Mường, Thái.
Mặc dù có nhiều nét tương đồng với các dân tộc khác, người Ơ Đu vẫn giữ gìn được những phong tục tập quán độc đáo:
- Họ và gia đình: Người Ơ Đu lấy họ theo họ Thái, Lào (ví dụ: Lò Khăm, Lò May, Lò Văn). Trưởng họ là người có uy tín và vai trò quan trọng. Trong gia đình, đàn ông có quyền quyết định mọi việc và phụ nữ không được thừa tự.
- Tục ở rể: Một trong những phong tục kỳ lạ nhất của người Ơ Đu là tục ở rể. Khi kết hôn, đàn ông sẽ về sống tại nhà vợ.
- Tục đẻ ngồi góc nhà: Phụ nữ Ơ Đu khi chuyển dạ sẽ đến phía gian nhà dành cho mình và ngồi đẻ. Nhau của trẻ sơ sinh được cho vào ống tre rồi chôn dưới gầm sàn nhà.
- Tính tuổi và đặt tên: Trẻ sơ sinh không được tính tuổi ngay mà phải chờ đến khi có tiếng sấm đầu tiên trong năm. Lúc đó, bố mẹ sẽ làm lễ đặt tên cho con. Lịch của người Ơ Đu dựa trên thời tiết và tiếng sấm là yếu tố quan trọng nhất. Tiếng sấm đầu xuân là dấu hiệu bắt đầu một năm mới.
- Tín ngưỡng tâm linh: Người Ơ Đu rất tin vào tâm linh và cho rằng hồn ma có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người sống. Họ thờ ma nhà ở góc hồi gian thứ hai trong nhà.
Cho đến tháng 8/2023, dân tộc Ơ Đu chỉ có một người học đại học và tốt nghiệp thành công, đó là anh Lô Kim Trọng. Anh trở thành hiệu trưởng trường THCS Kim Đa vào năm 1999, là niềm tự hào của cả dân tộc.
Elly (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)