Sau khi ăn, nhiều người có thói quen ngâm bát đĩa trong chậu đợi lúc nào "có hứng" mới rửa. Vì cho rằng như thế cũng không hại gì. Nhưng theo nghiên cứu, việc ngâm bát đĩa bị bẩn lâu trong chậu rửa bát thực sự khiến chúng càng bẩn hơn và làm tốn nhiều thời gian hơn để vệ sinh.
Nếu ngâm bát đĩa lâu trong chậu rửa, vi khuẩn có hại sẽ dễ dàng sinh sôi, tạo ra mùi hôi trong chậu rửa bát. Điều này không chỉ gây khó chịu khi bạn đứng rửa mà còn khiến bát đĩa có nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Vi khuẩn có hại trong bồn rửa có thể đến từ nhiều nguồn. Bát đĩa, thịt sống hoặc hải sản sống thường có khuẩn E. coli hoặc salmonella sót lại. Vì vậy, các chuyên gia khuyên rửa bát đũa, dao thớt chế biến đồ sống ngay sau khi sử dụng để tránh lây lan mầm bệnh.
Vi khuẩn cũng có thể bắt nguồn từ trái cây, rau, sữa, thậm chí từ đường ống nước. Trong bồn rửa bát, vi khuẩn sẽ sinh sôi nhanh chóng bởi đây là môi trường ấm áp, ẩm ướt, chứa đầy chất dinh dưỡng từ các mảnh vụn thức ăn còn sót lại. Nói cách khác, đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn.
Vì thế, ngay khi ăn xong hãy rửa sạch bát đĩa để tránh gây nguy hiểm đến sức khỏe của gia đình.
Khi rửa bát cũng cần tránh những sai lầm sau:
Đừng cho nước rửa chén trực tiếp vào bát đĩa. Vì chất tẩy rửa có chức năng khử trùng mạnh, nhưng cũng có thành phần gây hại cho cơ thể. Những chất này khi vào cơ thể sẽ làm hỏng niêm mạc dạ dày, cản trở quá trình trao đổi chất bình thường của cơ thể, thậm chí gây bệnh tiêu chảy.
Cách làm khoa học là hòa một lượng nước rửa chén với nước ấm, dùng hỗn hợp đó để rửa bát đĩa. Ngoài ra, sau khi sử dụng chất tẩy rửa, bạn nên rửa lại bát đĩa thật nhiều lần với nước sạch.
Đừng dùng giẻ rửa bát đa năng để lau chùi mọi chỗ. Việc dùng chung một giẻ sẽ dễ dàng đưa vi khuẩn từ nơi này sang nơi khác, len vào trong bát đĩa của bạn.
Đừng cất bát đĩa khi còn ướt: Vì môi trường kín và ẩm có thể khiến vi khuẩn sinh sôi. Bát đĩa chất chồng lên nhau khi chưa khô cũng có thể gây mùi hôi, kém sạch sẽ.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)