Thuế thu nhập cá nhân là gì?
Thu nhập cá nhân trong kinh tế là thuật ngữ đề cập đến tất cả các khoản thu nhập của một cá nhân kiếm được trong một niên độ thời gian nhất định từ tiền lương, đầu tư và các khoản khác. Thông thường thu nhập cá nhân phải chịu đánh thuế thu nhập.
Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu, nghĩa là được tính căn cứ dựa trên thu nhập của người nộp thuế khi đã trừ đi các khoản thu nhập được tính miễn thuế và các khoản giảm trừ gia cảnh theo quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân cùng các văn bản, hướng dẫn liên quan.
Thuế này thu vào một số khoản thu nhập cao chính đáng của cá nhân nhằm thực hiện việc điều tiết thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, góp phần thực hiện công bằng xã hội và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Trước đây, tại Điều 19 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 quy định về việc giảm trừ gia cảnh như sau:
Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm hai mức sau đây:
1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm);
2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.
Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo…
Tuy nhiên, hiện nay tại khoản 4 Điều 1 Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 đã bị bãi bỏ bởi khoản 4 Điều 6 Luật Sửa đổi các Luật về thuế 2014.
Thay vào đó, tại Điều 1 Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 có quy định mới, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 26/2012/QH13 cụ thể như sau:
1. Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm);
2. Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Như vậy, người nộp thuế không có người phụ thuộc, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công vượt trên 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Đối với người nộp thuế có một người phụ thuộc, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công vượt trên 15,4 triệu đồng/tháng (184,8 triệu đồng/năm) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Đối với người nộp thuế có hai người phụ thuộc, thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công vượt trên 19,8 triệu đồng/tháng (233,6 triệu đồng/năm) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tóm lại, người nộp thuế càng nhiều người phụ thuộc tương đương với mức lương phải nộp thuế theo quy định càng cao.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là khi nào?
Tại khoản 2 Điều 8 Thông tư 111/2013/TT-BTC được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 25 Thông tư 92/2015/TT-BTC có quy định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công như sau:
Xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
...
2. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công
a) Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công được xác định bằng tổng số tiền lương, tiền công, tiền thù lao, các khoản thu nhập khác có tính chất tiền lương, tiền công mà người nộp thuế nhận được trong kỳ tính thuế theo hướng dẫn tại khoản 2, Điều 2 Thông tư này.
b) Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.
Riêng thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy theo hướng dẫn tại điểm đ.2, khoản 2, Điều 2 Thông tư này là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm, công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm.
3. Thu nhập chịu thuế đối với cá nhân vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công là tổng thu nhập chịu thuế từ kinh doanh và thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công.
Như vậy, thời điểm xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công là thời điểm người sử dụng lao động chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động.
Đối với khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm có tích lũy mà người lao động đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm hoặc công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện thì thời điểm xác định thu nhập chịu thuế là thời điểm doanh nghiệp bảo hiểm hoặc công ty quản lý quỹ hữu trí tự nguyện trả tiền bảo hiểm cho người lao động.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)