03 trường hợp đăng ký thường trú buộc phải lấy ý kiến chủ nhà từ 10/01/2025
Tại Điều 8 thuộc Nghị định 154/2024/NĐ-CP có quy định về một số nội dung đăng ký, quản lý cư trú. Cụ thể như sau:
+ Trường hợp công dân đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp và thuộc quyền sở hữu của mình mà chỗ ở hợp pháp đó lại có nhiều hơn một chủ sở hữu thì sẽ không cần có ý kiến đồng ý của những người đồng sở hữu.
+ Trường hợp đăng ký thường trú theo quy định tại điểm a khoản 2 thuộc Điều 20 Luật Cư trú mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì cũng chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.
Ảnh minh hoạ
Điểm a thuộc khoản 2 Điều 20 Luật cư trú quy định:
“2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
…”.
Như vậy, khi đăng ký thường trú ở trong trường hợp vợ về ở cùng với chồng; chồng về ở cùng với vợ; con về ở cùng với cha, mẹ; cha, mẹ về ở cùng với con nếu chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì cũng chỉ cần ý kiến đồng ý của ít nhất một chủ sở hữu.
+ Trường hợp đăng ký thường trú không thuộc trường hợp nêu trên mà chỗ ở hợp pháp có nhiều hơn một chủ sở hữu thì khi đăng ký thường trú cần phải có ý kiến đồng ý của các chủ sở hữu hoặc những người được chủ sở hữu ủy quyền bằng văn bản có công chứng hoặc có chứng thực theo quy định pháp luật.
+ Trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp của chủ sở hữu lại là người bị mất năng lực hành vi dân sự, hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, hoặc người dưới 18 tuổi, hoặc người bị tuyên bố mất tích, người đã chết thì chỉ cần lấy ý kiến đồng ý của một trong những người đại diện hợp pháp hoặc người thừa kế của chủ sở hữu.
Như vậy, trừ trường hợp đầu tiên, các trường hợp còn lại khi đăng ký thường trú phải lấy ý kiến đồng ý của chủ nhà.
Ảnh minh hoạ
Lưu ý: Việc lấy ý kiến đồng ý của chủ hộ, hoặc chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, những người đại diện hợp pháp, những người thừa kế theo quy định pháp luật, cha, mẹ, người giám hộ sẽ được thực hiện bằng một trong các hình thức sau:
- Ghi rõ nội dung đồng ý và sau đó ký, ghi rõ họ tên vào Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;
- Xác nhận các nội dung đồng ý thông qua Ứng dụng định danh quốc gia hoặc dịch vụ công trực tuyến hoặc các cơ quan đăng ký cư trú trao đổi, lấy ý kiến trực tiếp thông qua việc kiểm tra và xác minh cư trú;
- Có ý kiến đồng ý cho thường trú bằng văn bản.
Nghị định số 154/2024/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ 10/01/2025.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)