Chiều và tối hôm nay (6/9), bão số 3 Yagi sẽ ảnh hưởng ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hoá -Thừa Thiên Huế có mưa dông.
Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 08/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Khi đọc những tin tức cập nhật về cơn bão Yagi trên các phương tiện truyền thông, không ít người sẽ đặt ra câu hỏi tên cơn bão được bắt nguồn từ đâu và ai là người đã đặt tên cho cơn bão này?
Siêu bão Yagi có nghĩa là con dê hoặc chòm sao Ma Kết
Tên Yagi từng được sử dụng để đặt cho 5 cơn bão nhiệt đới ở Tây Bắc Thái Bình Dương và Nhật Bản là nước đặt ra tên bão Yagi, có nghĩa là con dê hoặc chòm sao Ma Kết.
Trước đây, các cơn bão có tên Yagi đã xuất hiện nhiều lần như bão Yagi năm 2000 tác động lên Quần đảo Ryukyu (Nhận Bản), bão Yagi năm 2006, cơn bão mạnh nhất trong mùa bão năm 2006 nhưng không đe dọa đến các vùng đất liền quan trọng.
Năm 2013, một cơn bão nhiệt đới khác cũng mang tên Yagi gây ảnh hưởng đến Philippines và Nhật Bản. 5 năm sau, một cơn bão nhiệt đới có tên Yagi tác động đến Philippines, quần đảo Ryukyu, Đài Loan (Trung Quốc) và phía Đông Trung Quốc.
Năm 2024, bão Yagi hiện nay (tức bão số 3 theo cách gọi Việt Nam) nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão, gây thiệt hại tại Philippines, khiến ít nhất 17 người thiệt mạng.
Yagi bắt nguồn từ một vùng áp thấp hình thành vào ngày 30-8, cách Palau khoảng 540 km về phía Tây Bắc. Vào ngày 1-9, cơn bão này được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản phân loại là bão nhiệt đới và gọi tên là Yagi.
Ai là người đặt tên cho các cơn bão?
Hiện tại, tên của các cơn bão được đặt bởi Tổ chức Khí tượng Thế giới (World Meteorological Organization - WMO), tổ chức chuyên môn về khí tượng của Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ).
WMO chịu trách nhiệm quản lý, cập nhật và dự báo thời tiết 6 khu vực trên thế giới, được chia theo vị trí địa lý, bao gồm châu Phi, châu Á, Nam Mỹ, Bắc và Trung Mỹ, Tây Nam Thái Bình Dương, châu Âu.
Các quốc gia trong khu vực chịu ảnh hưởng bởi các cơn bão nhiệt đới sẽ đề cử tên gọi các cơn bão cho WMO. Những cái tên có trong danh sách này sẽ được WMO lựa chọn để đặt cho các cơn bão được hình thành tại những khu vực tương ứng.
Danh sách tên gọi các cơn bão sẽ được tái sử dụng sau mỗi 6 năm. Chẳng hạn danh sách các cơn bão năm 2023 sẽ được sử dụng lại để đặt tên cho các cơn bão vào năm 2029.
Mỗi năm, Ủy ban Bão sẽ họp một lần. Trong cuộc họp sẽ có nội dung bàn luận về việc các nước đề cử tên mới hoặc loại bỏ tên cũ trong danh sách đặt tên cho bão. Các nước cũng có quyền kiến nghị loại bỏ tên bão do quốc gia khác đặt nếu cảm thấy tên gọi đó không phù hợp vì nhiều lý do khác nhau.
Với những cơn bão gây nên thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, WMO sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên bỏ phiếu để quyết định xem có nên loại bỏ tên cơn bão đó hay không để tránh gây nên những ký ức đau thương.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)