Bao Công (11/4/999 - 20/5/1062), húy là Bao Chửng, tự Hy Nhân. Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh thiên, Bao Đãi chế, Bao Hắc tử, Bao Học sĩ hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan "thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình" dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022-1063).
Bao Công là người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ thị lang. Từ khi còn nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, sống mực thước. Đến năm 1027, ông bộc lộ tài năng của mình, thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ. Sau khi cha mẹ qua đời, ông mới bắt đầu phục vụ triều đình.
Nếu trên phim, hình tượng Bao Công do Kim Siêu Quần thủ vai là một người đàn ông khá to cao, da đen và có đặc điểm nổi bật nhất là vết sẹo hình trăng lưỡi liềm trên trán, thì ngoại hình của Bao Công thật hoàn toàn khác. Dựa vào hài cốt đã khai quật được ở mộ phần của Bao Công, các nhà khoa học cho biết Bao Thanh Thiên cao khoảng 1m65, sở hữu làn da trắng và trông có vẻ thư sinh.
Dù không có nước da đen mà có nước da trắng trẻo và có phần thư sinh, vậy tại sao lại mọi người lại gọi ông là “Bao Thanh Thiên”?.
Đầu tiên, phải nhắc đến sự chính trực và công bằng của Bao Công.
Bao Công nổi tiếng là vị quan một đời thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình. Tuy đạt lý nhưng cũng rất thấu tình, luôn coi trọng mạng người không phân biệt sang hèn cao thấp, luôn đặt chữ trung chữ hiếu lên đầu. Trong suốt thời gian làm quan, ông luôn nỗ lực làm việc chống lại nạn tham nhũng, giải quyết nhiều vụ án phức tạp, thẳng tay trừng phạt những tên tham quan, lợi dụng chức quyền làm điều sai trái.
Theo sử sách thống kê, trong suốt cuộc đời làm quan của mình, ông trừng trị không dưới 30 người thuộc dòng dõi quyền quý, hoàng thân quốc thích, thậm chí ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá - bố đẻ của Trương quý phi được vua Nhân Tông sủng ái cũng bị Bao Chửng đàn hặc mà mất chức. Cũng vì điều này, ông nhận được sự tôn trọng của hầu hết nhân dân thời bấy giờ. Chính sự thẳng thắn, vị tha cũng như thái độ phán xét vô tư của ông giúp nhân dân tôn ông là Bao Thanh Thiên (Bầu trời thanh bạch).
Thứ hai, khuôn mặt đen của Bao Công bị ảnh hưởng bởi nghệ thuật kinh kịch
Theo nghệ thuật tạo hình trong Kinh Kịch Trung Quốc, khi các diễn viên biểu diễn thường phải hóa trang khuôn mặt. Mặt trắng là đại diện cho kẻ tiểu nhân, mặt đỏ là đại diện cho nghĩa khí, trung nghĩa còn nhân vật mặt đen đại diện cho công chính liêm minh, quân tử.
Chính vì thế, khuôn mặt đen của Bao Công chính là một kiệt tác được các bậc thầy hóa trang trong kinh kịch thiết kế để tượng trưng cho sự vô tư công minh chính trực, tinh thần chấp pháp như sơn của vị quan liêm chính nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa này. Đây chỉ là một hình tượng văn học nghệ thuật không liên quan đến dung mạo thật sự của Bao Công trong lịch sử.
Ngoài đời thực, Bao Chửng không có vết sẹo hình trăng lưỡi liềm trên trán. Việc tạo hình nhân vật Bao Thanh Thiên trong phim sở hữu "vầng trăng khuyết" vì theo truyền thuyết, Bao Công là một vị thần một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần, tên là Văn Khúc Tinh Quân. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm phủ. Vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)