Tu hú là một loài chim cu có tiếng kêu to rất dễ phân biệt và có đuôi dài khoảng 45 cm. Chim tu hú thường sống ở những khu rừng thưa có nhiều ánh sáng. Loài chim này phân bố chủ yếu ở Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Campuchia và phía đông Nam của Trung quốc. Ở Việt Nam, chim tu hú sống chủ yếu ở các khu vực trung du và đồng bằng. Vào mùa hè nó có thể sống ở khu vực miền Bắc nhưng đến mùa đông, tu hú sẽ bay về phương Nam để tránh rét.
Chim tú hú được phân thành 2 loại là chim trống và chim mái. Chim trống có lông màu đen và có ánh xanh thẫm còn chim mái có lông đen và trắng, phần lưng có màu nâu đen lốm đốm trắng và ánh xanh lục. Chim tu hú mái có đầu hung và nhạt hơn so với đầu chim trống.
Khi chim tu hú cái còn non thì toàn thân nó là lông màu đen. Đến khi thay lông lần đầu tiên, bộ lông của nó có màu của chim tu hú mái. Còn chim tu hú trống khi còn non nó lại có bộ lông màu đỏ. Đến khi trưởng thành nó sẽ có bộ lông của chim tu hú trống và có mỏ xanh xám, mắt đỏ, góc mỏ đen và chân màu xám chì…
Tu hú, loài chim “lưu manh” nhất Việt Nam.
Tu hú là loài chim ăn tạp. Chúng ăn các loại côn trùng, sâu bướm, trái cây, động vật có xương sống nhỏ và trứng… Loài tu hú có một đặc điểm khá riêng biệt đó là chim mẹ không tự nuôi con của mình mà gửi nhờ chim khác. Sở dĩ như vậy vì tu hú hay ăn côn trùng và sâu bướm trong đó có cả những con có nọc độc hay độc tố trong người.
Chim mẹ đã trưởng thành nên miễn nhiễm được với các độc tố. Tuy nhiên chim con không có khả năng miễn nhiễm đó nên chúng sẽ chết khi bị nhiễm độc. Vì vậy để tránh nguy hiểm cho chim con, tu hú mẹ gửi trứng để chim khác nuôi hộ con cho mình.
Thay vì làm tổ, đẻ trứng rồi ấp và chăm con như những loài chim khác, vào mùa sinh sản, chim tu hú cái thường đi tìm tổ chim chích và gửi trứng của mình ở trong đó. Đó gọi là “chiến thuật gửi trứng tu hú”.
Do trứng có hoa văn và cùng kích thước nên chim chích không thể nhận ra và vẫn ấp nở bình thường.
Không những thế, trước khi rời đi, chim tu hú mái còn ăn một quả trứng chim chích non mới được một, hai ngày tuổi.
Con của tu hú sẽ nở trước các con của vợ chồng nhà chích. Đến khi tu hú con mới nở, đỏ hỏn, còn chưa kịp mở mắt, chúng tiếp tục thể hiện bản chất tàn độc của mình.
Chim tu hú non dùng sức mạnh đẩy những quả trứng còn lại (trứng của chim chích) rơi khỏi tổ, với âm mưu độc chiếm nguồn thức ăn ít ỏi mà đôi vợ chồng nhà chim chích nhọc công kiếm về.
Nhận được sự chăm sóc hết lòng của bố mẹ nuôi, tu hú non lớn nhanh như thổi, chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, thân hình tu hú con thậm chí còn lớn gấp đôi thân hình của bố mẹ nuôi. Khi đã đủ lông, đủ cánh, chúng bỏ đi không một sự đền đáp.
Những con tú hú con này lớn lên, nếu là con mái, lại tiếp tục đi gửi trứng vào các tổ chim chích khác, đúng với bản năng của loài chim có một không hai trong thế giới tự nhiên này.
BL (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)