1. Bấm còi xe liên tục để xin nhường đường có vi phạm pháp luật không?
Căn cứ tại Khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định như sau:
Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
12. Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ, bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định của Luật này.
Theo quy định, việc bấm còi và rú ga liên tục khi tham gia giao thông là hành vi vi phạm giao thông. Ảnh minh họa)
Theo đó, việc sử dụng còi xe phải tuân thủ các quy định sau:
- Không được bấm còi liên tục.
- Không được bấm còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ.
- Không được bấm còi hơi trong khô đô thị và khu đông dân cư.
+ Đường đô thị là đường nằm trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị xã và thị trấn.
+ Đường qua khu đông dân cư là đoạn đường bộ nằm trong khu vực nội thành phố, nội thị xã, nội thị trấn và những đoạn đường có dân cư sinh sống sát dọc theo đường, có các hoạt động có thể ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ và được xác định bằng biển báo là đường qua khu đông dân cư (khi cần thiết có thể xác định riêng cho từng chiều đường).
- Không được bấm còi tại nơi có biển báo cấm sử dụng còi.
Như vậy, nếu ai đang điều khiển phương tiện giao thông mà bấm còi liên tục dù với mục đích gì thì đều được xem là hành vi vi phạm pháp luật, trừ các xe ưu tiên đang trên đường làm nhiệm vụ.
2. Mức phạt cho hành vi bấm còi xe liên tục để xin nhường đường
(Ảnh minh họa)
Mức phạt cho hành vi bấm còi xe liên tục để giành đường được quy định như sau:
- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
(Theo điểm b khoản 3 Điều 5 Nghị định 100/2029/NĐ-CP)
- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu bấm còi liên tục trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
(Theo điểm c khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu bấm còi liên tục; bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.
(Theo điểm d khoản 3 Điều 7 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
3. Quy tắc nhường đường theo Luật Giao thông hiện nay
Căn cứ Điều 24 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:
- Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;
- Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;
- Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.
Ngoài quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau, người tham gia giao thông còn phải tuân thủ các quy định về nhường đường khác sau đây:
- Khi gặp tín hiệu đèn giao thông màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
- Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
(Ảnh minh họa)
- Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
- Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:
+ Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
+ Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
+ Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
- Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.
- Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)