Năm 1975, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh được hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Khi hợp nhất, tỉnh Bình Trị Thiên có 23 đơn vị hành chính gồm trung tâm hành chính đặt tại thành phố Huế, hai thị xã là Đông Hà, Đồng Hới và 20 huyện. Diện tích tỉnh khoảng 18.300 km2, dân số khoảng 1,8 triệu người vào năm 1979.
Trước đó, Bình Trị Thiên nổi tiếng là mặt trận gian khổ, ác liệt và ngoan cường trong hai cuộc kháng chiến. "Bình Trị Thiên khói lửa" đã là một danh xưng. "Dép Bình Trị Thiên", kiểu dép cao su cắt từ lốp ôtô hỏng cũng bắt nguồn từ đây.
Sau 14 năm, tháng 4/1989, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân Bình Trị Thiên, Trung ương Đảng quyết định tách ba tỉnh về địa giới cũ.
Ngoài ra, Hà Nam Ninh được thành lập trên cơ sở tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình ngày nay. Tuy nhiên, năm 1975, tỉnh này được sáp nhập từ hai tỉnh Nam Hà (Hà Nam, Nam Định đã sáp nhập từ trước đó) và Ninh Bình.
Quảng Bình là tỉnh thuộc duyên hải Bắc Trung Bộ với giới hạn tọa độ địa lý từ 17005'02'' đến 18005'12'' vĩ độ Bắc và từ 105036'55'' đến 106059'37'' kinh độ Đông. Về tiếp giáp, tỉnh Quảng Bình có phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng Trị, phía Đông giáp biển với chiều dài trên 116,04 km, thềm lục địa có diện tích 20.000 km2 và đường biên giới phía Tây giáp Lào có tổng chiều dài 222,118 km. Tỉnh có diện tích tự nhiên là 7.998,76 km2, chiếm 2,41% diện tích toàn quốc và dân số trung bình năm 2022 là 913.862 người.
Quảng Bình có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 05 huyện/thị xã ven biển (các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn), 02 huyện vùng núi (Tuyên Hóa, Minh Hóa) và thành phố Đồng Hới là trung tâm của tỉnh; 151 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 15 phường, 08 thị trấn và 128 xã.
Quảng Bình là phần hẹp nhất của Việt Nam, vì vậy đây là hành lang quan trọng đối với cả hàng hóa lẫn hành khách với các tuyến đường bộ như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh chạy dọc tuyến Bắc - Nam, tuyến đường sắt Bắc - Nam. Các tuyến đường này kết nối các khu vực trọng điểm trong tỉnh, đặc biệt là kết nối các cảng Gianh, cảng Nhật Lệ và cảng Hòn La với Khu Kinh tế Hòn La và thành phố Đồng Hới.
Tỉnh đóng vai trò quan trọng trong giao thương hàng hóa và hàng khách tuyến Đông - Tây nhờ có Quốc lộ 12A kết nối Quảng Bình với Lào và từ Lào sang miền Bắc Thái Lan và Myanmar.
Quảng Trị là một tỉnh nằm ở dải đất miền Trung, nơi chuyển tiếp giữa hai miền địa lý Bắc - Nam. Với tọa độ địa lý này, Quảng Trị được tạo nên bởi một không gian lãnh thổ mang sắc thái khí hậu nhiệt đới ẩm, điển hình của vòng đai nội chí tuyến Bắc bán cầu và chịu ảnh hưởng rất lớn của biển Đông. Quảng Trị hiện bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã, 8 huyện và 125 đơn vị hành chính cấp xã.
Quảng Trị có lợi thế về địa lý - kinh tế, là đầu mối giao thông, nằm ở trung điểm đất nước, ở vị trí quan trọng - điểm đầu trên tuyến đường huyết mạch chính của hành lang kinh tế Đông - Tây nối với Lào - Thái Lan - Mianmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đến các cảng biển Miền Trung như: Cửa Việt, Chân Mây, Đà Nẵng, Vũng Áng... Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.
Thừa Thiên Huế (còn được viết là Thừa Thiên - Huế) là một tỉnh ven biển nằm ở cực nam của vùng Bắc Trung Bộ, miền Trung, Việt Nam. Thừa Thiên Huế nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trục hành lang Đông - Tây nối Thái Lan - Lào - Việt Nam theo đường 9. Thừa Thiên Huế ở vào vị trí trung độ của cả nước, nằm giữa thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm lớn của hai vùng kinh tế phát triển nhất nước ta.
Tỉnh Thừa Thiên Huế nằm ở dải đất ven biển miền Trung, thuộc Bắc Trung Bộ, bao gồm phần đất liền và phần lãnh hải thuộc thềm lục địa biển Đông. Thừa Thiên Huế cách thủ đô Hà Nội 675 km về phía Nam, cách thành phố Đà Nẵng 94 km về phía Bắc với ranh giới tự nhiên là dãy núi Bạch Mã.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, bao gồm 1 thành phố, 2 thị xã, 6 huyện với 141 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 95 xã, 39 phường, 7 thị trấn.
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)