Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã đề xuất thay đổi tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính. Trong đó, không còn chính quyền địa phương của thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn.
Dự kiến từ 01/7/2025 không còn thành phố thuộc tỉnh
Điều 2 dự thảo Luật sửa đổi đề xuất quy định tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính như sau:
(1) Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, xã.
Hiện hành tại Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025: Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã
(2) Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, phường.
Hiện hành: Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.
(3) Chính quyền địa phương ở hải đảo là chính quyền địa phương ở đặc khu.
Từ 01/7/2025, dự kiến sẽ không còn thành phố thuộc tỉnh? (Ảnh minh họa).
(4) Chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính quy định tại (1), (2) và (3) gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
(5) Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Như vậy, mô hình chính quyền địa phương 02 cấp mới đã bỏ đi chính quyền ở các đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và thị trấn.
Trong đó, chính quyền địa phương ở đô thị được đề xuất chỉ còn thành phố trực thuộc trung ương và phường.
Có nghĩa, nếu dự thảo Luật được thông qua thì từ 01/7/2025, các thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương dự kiến sẽ trở thành phường, tương đương với đơn vị hành chính cấp cơ sở mới chứ không phải là thành phố như hiện nay.
Hình thành xã, phường, đặc khu, bỏ thị trấn
Điều 1 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đã đề xuất tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo; bỏ thị trấn.
Cụ thể, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đã đề xuất sửa đổi quy định đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm có:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh);
- Đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh gồm: xã, phường, đặc khu tại hải đảo (sau đây gọi chung là cấp cơ sở);
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
(Ảnh minh họa)
- Đặc khu tại hải đảo do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Có thể thấy, theo đề xuất, sẽ tổ chức lại đơn đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp cơ sở gồm: xã, phường và đặc khu ở hải đảo và bỏ thị trấn.
Hiện hành, theo Điều 1 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025, đơn vị hành chính của nước ta gồm có:
- Tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh);
- Huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện);
- Xã, phường, thị trấn (cấp xã);
- Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập.
Tùy theo điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đơn vị hành chính cấp huyện tại các đảo, quần đảo hải đảo) có thể không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)