Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường có thể nhận được 400-550 triệu đồng khi nghỉ việc từ ngày 1/8, theo đề xuất của TP HCM
Đó là một phần trong góp ý của UBND TP HCM gửi Bộ Nội vụ về chính sách hỗ trợ một lần với người hoạt động không chuyên trách phường, xã, ấp, tổ dân phố. Chế độ này dành cho những người nghỉ việc từ ngày 1/8 nhằm thực hiện chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo Kết luận 137 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo đề xuất của TP HCM, người hoạt động không chuyên trách phường, xã sẽ được trợ cấp 60 tháng với mức phụ cấp hiện hưởng đối với người còn từ đủ 5 năm công tác. Người còn dưới 5 năm công tác được trợ cấp theo số tháng còn lại với mức phụ cấp hiện hưởng.
Đề xuất của TP HCM: Người hoạt động không chuyên trách phường, xã sẽ được trợ cấp 60 tháng với mức phụ cấp hiện hưởng đối với người còn từ đủ 5 năm công tác (Ảnh minh họa).
Đồng thời hai nhóm này được trợ cấp 12 tháng với mức phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm và trợ cấp 1,5 tháng với mức phụ cấp hiện hưởng cho mỗi năm công tác.
Mức phụ cấp hiện hưởng của người hoạt động không chuyên trách là lương cơ sở (2,34 triệu đồng) nhân với hệ số 2,34. Như vậy, với đề xuất của TP HCM, cán bộ có thâm niên từ một năm làm việc với người còn đủ 5 năm công tác được hỗ trợ thôi việc hơn 328 triệu đồng và hỗ trợ tìm việc trên 65 triệu đồng. Tùy vào số năm công tác có thêm một khoản từ 8 đến hơn 150 triệu đồng. Tổng các khoản hỗ trợ, mỗi cán bộ nhận được từ 400 đến hơn 550 triệu đồng.
Ngoài ra, TP HCM cũng đề xuất chế độ cho người hoạt động không chuyên trách ở ấp, tổ dân phố, mỗi người được hỗ trợ thêm 5 tháng phụ cấp chức danh hiện hưởng với người có thời gian công tác từ 5 năm trở xuống. Và hỗ trợ thêm 12 tháng phụ cấp chức danh hiện hưởng với người có thời gian công tác từ đủ 5 năm trở lên.
Thành phố cũng đề xuất người hoạt động không chuyên trách phường, xã chưa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ được xem xét hưởng chế độ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định 29 về tinh giản biên chế. TP HCM đề xuất cho phép địa phương tự cân đối nguồn để hỗ trợ cho người hoạt động không chuyên trách.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, ước tính cả nước có hơn 400.000 người hoạt động không chuyên trách. Hiện nhóm này không nằm trong nhóm đối tượng áp dụng và không được hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định 178 cũng như Nghị định 67.
Tại TP HCM, sau khi giảm từ 273 xã, phường xuống còn 102, thành phố dôi dư hơn 11.000 người trong đó hơn 5.500 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Cán bộ không chuyên trách phường, xã hiện nay gồm các vị trí như phó chủ tịch các tổ chức chính trị, xã hội như Mặt trận, phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh, nông dân, chữ thập đỏ... cán bộ công tác dân số, văn hóa, xã hội...
Người hoạt động không chuyên trách cấp xã gồm những ai?
Theo quy định trên, chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã do HĐND cấp tỉnh quyết định. Tuy theo từng tỉnh mà Hội đồng nhân dân quy định cụ thể các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
(Ảnh minh họa)
Thành phố Hà nội theo khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND của Hà Nội thì các chức danh và cơ cấu người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là cấp xã) tại Hà Nội như sau:
Chức danh người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là cấp xã), gồm 10 chức danh:
1. Văn phòng Đảng ủy cấp xã;
2. Phụ trách công tác truyền thanh cấp xã;
3. Phó Chỉ huy trưởng Quân sự;
4. Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc;
5. Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh;
6 Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ;
7. Phó Chủ tịch Hội Nông dân (đối với xã và các phường, thị trấn có tổ chức Hội Nông dân);
8. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh;
9. Chủ tịch Hội Người cao tuổi;
10 Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở xã, phường, thị trấn.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND quy định các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã bao gồm:
1. Văn phòng Đảng ủy;
2. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy;
3. Thường trực Khối vận;
4. Tuyên giáo;
5. Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
6. Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam;
7. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
8. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
9. Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam;
10. Chủ tịch Hội Người cao tuổi;
11. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ;
12. Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự;
13. Bình đẳng giới - Trẻ em;
14. Công nghệ thông tin;
15. Dân số - Kế hoạch hóa gia đình;
16. Lao động - Thương binh và Xã hội;
17. Phụ trách kinh tế;
18. Thủ quỹ - Văn thư - Lưu trữ.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)