Giun quế là thức ăn sạch, bổ sung nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm, chứa tới 70% là protein ở dạng thô, có yếu tố kích thích sự sinh trưởng tự nhiên của gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, giá thành đầu tư nuôi giun quế để làm thức ăn trong chăn nuôi rẻ hơn so với chi phí thức ăn công nghiệp.
Từ thực tế sản xuất, có thể nói, nuôi giun quế là một trong những mô hình mang lại hiệu quả "kép". Đây là một mô hình chăn nuôi khép kín vừa giải quyết được ô nhiễm môi trường do chất thải từ động, thực vật thải ra, vừa là nguồn thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi, phân giun quế được xem là nguồn phân hữu cơ có lợi cho cây trồng và đất. Đồng thời, giun quế cũng đem lại giá trị kinh tế không nhỏ cho người chăn nuôi. Điều này đang phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ như hiện nay.
Tại trang trại tổng hợp xã Quảng Hợp (Quảng Xương), chị Nguyễn Thị Hoan, chủ trang trại cho biết: Giun quế là động vật dễ thích ứng với môi trường và có tốc độ sinh sản nhanh. Nguồn nguyên liệu nuôi giun được tận dụng ngay ở trang trại như phân gia súc, rơm rạ, thân cây ngô... Nuôi giun quế không tốn nhiều công chăm sóc, do đó mô hình rất dễ nhân rộng, ai cũng có thể học tập kinh nghiệm.
Hiện nay, giun quế tại trang trại của chị Hoan chủ yếu làm thức ăn trực tiếp cho gà hoặc phối trộn giun quế với các loại cám ngô, gạo, bột đậu tương... để ép thành cám viên tự chế. Phân gà làm thức ăn cho giun, giun làm thức ăn cho gà tạo thành vòng tròn khép kín, vừa tận dụng được chất thải, vừa đảm bảo yếu tố môi trường trong chăn nuôi. Sau một thời gian áp dụng, chị Hoan nhận thấy gà được nuôi bằng giun quế có sức đề kháng tốt hơn.
Bên cạnh việc nuôi giun quế để chủ động nguồn thức ăn dinh dưỡng cho đàn vật nuôi, giun quế còn được nuôi để lấy phân phục vụ trong trồng trọt. Chất thải giun quế thải ra được xếp vào loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên, giàu hàm lượng dinh dưỡng và hệ vi sinh vật phong phú, phù hợp với tất cả các loại cây trồng.
Được biết, mô hình nuôi giun quế không chỉ được nhân rộng để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, nhiều hộ dân tại các huyện Triệu Sơn, Quảng Xương, Vĩnh Lộc... đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng nuôi, con giống để phát triển mô hình. Hiện nay, giun quế giống dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng/kg, giá giun quế thương phẩm dao động từ 80.000 đến 120.000 đồng/kg, phân giun được xử lý thành dạng viên khô có giá bán từ 20.000 đồng/kg...
Về cách thu hoạch, thịt trùn khoảng 1 tháng thu hoạch 1 lần, hớt lớp sinh khối trên bề mặt, bỏ vào tấm manh ở ngoài ánh sáng để trùn chui vào đáy manh và thu hoạch bán thịt. Phân trùn 3 tháng thu hoạch 1 lần, hớt lớp sinh khối bề mặt sang một bên, thu hoạch lớp dưới là phân trùn. Sau đó đưa vào quy trình sản xuất để làm ra phân bón.
Hiện thịt trùn được bán cho các trại nuôi tôm, cua đinh, lươn, cá, ba ba… và các công ty làm thức ăn cho gia súc. Riêng phân trùn được bán cho các nông trại trồng theo hướng công nghệ cao trong nhà kính khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Với trên 100 ha nuôi trùn quế, anh Nguyễn Công Vinh (36 tuổi, H.Châu Thành, Tiền Giang) có doanh thu hơn 3 tỷ đồng/tháng. Hiện mỗi tháng trang trại của anh Vinh xuất bán trên 500 tấn phân trùn quế với giá từ 3,5 - 5 triệu đồng/tấn, trên 15 tấn trùn thịt với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh còn bán giống và nhiều sản phẩm độc quyền khác do anh sản xuất từ phân trùn. Nhờ đó doanh thu mỗi tháng hơn 3 tỷ đồng.
Bên cạnh việc xây chuồng nuôi trùn quế bán thịt, bán phân, anh Vinh còn trồng vườn dừa xiêm, dừa dứa và dùng phân trùn để bón. Dưới mương, anh nuôi các loại cá diêu hồng, cá bống tượng… lấy trùn quế làm thức ăn cho cá. Hiện anh còn làm ra gần 20 sản phẩm từ phân trùn phối trộn tạo ra như: đất sạch, phân trộn, phân trùn nén viên, phân rơm…
Ngoài ra, anh Vinh còn liên kết với hơn 200 hộ nông dân nuôi trùn quế ở các tỉnh, thành miền Tây, đồng thời mở thêm chi nhánh với quy mô lớn để cùng làm giàu.
Hoàng Mai (TH) (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)