Ngày nay với tốc độ phát triển của các nền tảng mạng xã hội, thì những trend, câu nói được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Trong đó có câu "ăn nói xà lơ" được các bạn trẻ dùng nhiều. Nếu chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa của câu nói này thì đây là giải đáp:
Ăn nói xà lơ là gì?
Ăn nói xà lơ là câu nói từng tạo “viral” trên mạng xã hội bởi sự ngộ nghĩnh và tính giải trí, trong đó điều đặc biệt tạo nên độ hot của câu nói này là cụm từ “xà lơ”. Xà lơ hay sà lơ là cách nói trại của một phương ngữ địa phương “Sai lơ”, dùng để nói đến những người nói sai hoàn toàn, không có ý nghĩa.
Vậy ăn nói xà lơ là gì? Ăn nói xà lơ là lối nói chuyện thiếu suy nghĩ, nói theo bản năng mà không tập trung vào những gì mình nói ra. Hoặc chỉ những người không hiểu rõ vấn đề mà đã nhanh miệng, dẫn đến phát ngôn sai lệch, không có giá trị, có thể khiến đối phương không đánh giá cao kỹ năng giao tiếp của bạn.
"Ăn nói xà lơ'' là ăn nói như thế nào?
Nguồn gốc
Cụm từ “Ăn nói xà lơ" bắt nguồn từ một video livestream bán hàng của hai mẹ con ở Ninh Thuận. Trong đoạn clip, cô con gái đã rất hợp tác với mẹ để giới thiệu sản phẩm nhưng lại sử dụng từ ngữ không phù hợp khiến người mẹ tá hỏa, phải ngay lập tức chạy đến chấn chỉnh và nói với cô bé rằng “Ăn nói xà lơ, sao con nói dị” với giọng điệu hài hước và có chút ngại ngùng với người xem. Ngay sau đó, “Ăn nói xà lơ” bất ngờ trending với hàng triệu lượt xem trên nền tảng TikTok và trở thành hiện tượng trong một thời gian dài.
Tương tự như những câu “Sa chào cô chú đi con”, “Đúng nhận sai cãi”, “U là trời”,... “Ăn nói xà lơ” cũng được nhiều người nổi tiếng và các bạn trẻ làm clip nói lại, nhằm mục đích giải trí cũng như lan truyền câu nói vui nhộn này.
(Ảnh minh họa)
Ngày nay, câu nói trên không chỉ phổ biến trên mạng xã hội mà còn là ngôn ngữ của Gen Z. Các bạn trẻ thường sử dụng cụm từ này để trêu đùa người bạn của mình nói chuyện lung tung, không hề có ác ý hay sự tiêu cực trong câu nói này.
Cách giao tiếp để tránh ăn nói xà lơ
Học ăn - Học nói, học tránh “Ăn nói xà lơi”. Nếu bạn có chủ đích nói xà lơ để mang lại tiếng cười, niềm vui cho người khác thì không sao. Nhưng nếu bạn không nhận thức được việc mình hay nói sai chủ đề, người khác e ngại khi nói chuyện với mình thì thực sự không ổn chút nào. Để công việc và các mối quan hệ xã hội trở nên tốt hơn, bạn có thể tham khảo một số mẹo giao tiếp khéo léo dưới đây:
Lắng nghe
Biết lắng nghe chính là chìa khóa giúp bạn trở thành người giao tiếp khéo léo, từ đó có được thiện cảm từ người đối diện. Trong tất cả các cuộc nói chuyện, bạn nên lắng nghe nhiều hơn để hiểu hoàn cảnh của câu chuyện, đến khi người đối diện cần bạn cho ý kiến, bạn sẽ biết mình cần phải nói gì và đưa ra những phát ngôn có giá trị.
Trong công việc, khi bạn lắng nghe nhiều hơn, bạn sẽ hiểu được đồng nghiệp, cấp trên hay đối tác thực sự muốn gì, từ đó đưa ra được kế hoạch, giải pháp và cách ứng xử phù hợp.
Hiểu lời của người nói
Ngôn ngữ được xem là cánh cổng kết nối với người khác mà giao tiếp chính là chìa khóa mở cánh cổng ấy. Một trong những bí quyết để trở thành người khéo léo khi giao tiếp chính là bạn cần hiểu mục đích của người nói.
(Ảnh minh họa)
Chỉ khi hiểu được dụng ý trong câu nói của đối phương thì chúng ta mới có thể ứng xử tốt hơn, từ đó đưa ra được những phát ngôn chính xác, vừa ý người nghe.
Nói chuyện đúng trọng tâm
Cách tối ưu là bạn nên dừng vài giây để suy nghĩ hướng phát ngôn chính xác trước khi trả lời. Bạn cần xác định ý chính của câu hỏi, nghĩ những từ khóa cần nói và ứng biến linh hoạt để câu trả lời đúng ý người nghe.
Tôn trọng người nghe
Tôn trọng người nghe là hành động giúp bạn có được cuộc trò chuyện suôn sẻ, tránh được những bất đồng, mâu thuẫn không cần thiết. Bạn không nên nói chen vào khi người khác đang nói cũng như tránh nói quá dài dòng lê thê, làm mất thời gian của đối phương.
Ngoài ra bạn cũng nên sử dụng ngôn ngữ phù hợp, không nên dùng nhiều từ chuyên môn không thuộc phạm vi của người nghe để làm khó họ, cũng như tránh sử dụng lời nói thô tục, xúc phạm hoặc có tính phán xét người khác,...
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)