Ngôn ngữ Việt Nam vô cùng phong phú. Vì thế, chỉ với một từ "ăn", chúng ta có vô vàn từ ghép lại mang những ý nghĩa và sắc thái khác nhau. "Ăn chực" là một trong số đó. Vậy "ăn chực" là gì? Trong trường hợp nào nên sử dụng từ "ăn chực"?
"Ăn chực" là gì?
"Ăn chực" được hiểu là ăn ghé hay ăn ké của người khác khi không được mời. Từ "ăn chực" này được dùng trong văn nói giao tiếp hằng ngày và một số tác phẩm văn học (sử dụng lối hành văn dân dã, gần gũi với văn nói)
Trong ca dao Việt Nam có câu: "Anh ơi, anh trở về nhà/ Đừng đi ăn chực người ta chê cười". Câu nói thể hiện sự chê cười, phê bình thói quen “ăn chực” không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hoá người Việt. "Ăn chực" khi không được mời là hành động rất "vô duyên", khiến người khác đánh giá xấu về hành vi và thậm chí là nhân cách của bạn.
Ngoài nghĩa là ăn ké, "ăn chực" trong cụm từ "ăn chực nằm chờ" còn có ý nghĩa là chờ chực ở một nơi nào đó để có việc làm. Trong trường hợp này, "ăn chực" thể hiện trạng thái chờ đợi mỏi mòn, vô định thay vì ý nghĩa ăn ké, ăn ghé người khác.
Khi nào nên sử dụng từ "ăn chực"?
Nhìn chung, từ "ăn chực" được sử dụng phổ biến nhất trong giao tiếp thông thường. Nếu ai đó hỏi "Lại đi ăn chực đấy à?" hay "Tôi đi ăn chực đây" thì có nghĩa là chỉ hành vi ăn ké. Tuỳ vào từng trường hợp mà từ này thể hiện nét nghĩa tích cực hay tiêu cực.
Chẳng hạn, trong một số trường hợp, người ta dùng từ "ăn chực" để mỉa mai những người đi ăn ké mà không được mời. Hành vi này có thể lặp lại nhiều lần khiến họ cảm thấy khó chịu.
Mặt khác, nếu ai đó nói về hành động "ăn chực" của mình với thái độ vui vẻ thì có thể đây chỉ là lời nói đùa. Chẳng hạn, câu nói "Hôm nay tôi lại qua nhà ông ăn chực nhé" thì cả 2 người đều ngầm hiểu về hành động ăn ké nhưng không gây ảnh hưởng tới bất cứ ai, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Từ "ăn chực" có thể được hiểu theo nghĩa tích cực hoặc tiêu cực tuỳ từng trường hợp
Tuy nhiên, chỉ nên dùng từ này với những người thực sự thân thiết, bằng tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn. Nếu dùng từ này để giao tiếp với người lớn thì bạn sẽ thể hiện sự thiếu tôn trọng với đối phương.
"Thánh ăn chực" nổi tiếng trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)