Tuy nhiên, một câu hỏi luôn làm nhiều người tò mò: Alfred Nobel đã giàu có đến mức nào khi còn sống? Và vì sao, dù giải thưởng đã tồn tại hơn 100 năm, quỹ tiền thưởng của Giải Nobel vẫn không cạn, thậm chí còn tăng theo thời gian?
Hành trình từ một nhà khoa học tới "Vua thuốc nổ"
Alfred Bernhard Nobel là một nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, nhà sản xuất vũ khí, người phát minh ra thuốc nổ và một triệu phú người Thụy Điển.
Alfred Nobel, người sáng lập ra Giải Nobel, sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Thụy Điển. Cha ông, một kỹ sư, đã tìm được công việc tại Nga dưới sự bảo trợ của Sa hoàng, và cả gia đình chuyển đến sống tại St. Petersburg. Nobel đã được giáo dục tốt từ sớm và có cơ hội du học tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, biến cố đầu đời xảy ra khi gia đình trở về Stockholm sau khi công việc kinh doanh của cha ông thất bại.
Tại Thụy Điển, Nobel bắt đầu nghiên cứu về chất nổ, cụ thể là nitroglycerin. Những nghiên cứu này gặp nhiều thảm họa khi một vụ nổ tại phòng thí nghiệm đã cướp đi mạng sống của em trai ông. Bị chính quyền cấm tiếp tục nghiên cứu tại Thụy Điển, Nobel buộc phải di chuyển và lập các nhà máy ở nhiều quốc gia khác nhau.
Dù gặp nhiều khó khăn, Nobel đã kiên trì và cuối cùng phát minh ra loại thuốc nổ an toàn hơn, gọi là dynamite. Phát minh này nhanh chóng trở thành sản phẩm phổ biến trong ngành công nghiệp xây dựng và quân sự. Sự thành công của dynamite không chỉ đem lại cho Nobel danh tiếng mà còn cả một tài sản khổng lồ. Ông trở thành một trong những người giàu nhất châu Âu thời bấy giờ, được mệnh danh là "Vua thuốc nổ".
Tại sao Nobel lại thành lập Giải Nobel?
Nobel sống cả cuộc đời mà không có vợ con, và trong những năm cuối đời, ông bắt đầu suy nghĩ về cách sử dụng tài sản của mình. Theo nhiều tài liệu, một trong những yếu tố khiến ông quyết định thành lập giải thưởng là do sự hiểu lầm trong một bài báo cáo tin nhầm rằng ông đã qua đời. Bài báo đó gọi ông là "người buôn bán cái chết" vì phát minh thuốc nổ của ông đã được sử dụng trong chiến tranh. Bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những nhận xét tiêu cực này, Nobel quyết định để lại phần lớn tài sản để thành lập một quỹ thưởng cho những người "mang lại lợi ích lớn nhất cho nhân loại".
Năm 1896, Alfred Nobel qua đời tại Ý. Di chúc của ông chỉ rõ rằng tài sản của ông sau khi trừ chi phí cho người thân sẽ được sử dụng để thành lập Giải Nobel, trao thưởng cho những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong các lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, văn học, và hòa bình.
Quỹ Nobel và việc duy trì bền vững
Trước khi qua đời năm 1896, ông đã để lại di chúc ghi rõ 94% tài sản của mình, tương đương lượng tiền mặt 31 triệu SEK (tương đương 4.223.500 USD ở thời điểm đó) cho quỹ. Số tiền này tương đương gần 1,8 tỷ SEK (hơn 174 triệu USD) ngày nay... Theo di chúc của ông, quỹ Nobel sẽ đầu tư vào các tài sản "an toàn" và sử dụng lợi nhuận từ đầu tư này để trao thưởng hàng năm.
Tuy nhiên, trong những năm đầu, lợi nhuận của quỹ không thực sự cao do phần lớn các khoản đầu tư đều được đặt vào các tài sản bảo đảm an toàn nhưng có lợi nhuận thấp. Đến những năm 1950, giá trị tài sản của quỹ Nobel bị suy giảm nghiêm trọng. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, quỹ có thể đã không đủ để duy trì giải thưởng.
May mắn thay, chính phủ Thụy Điển và sau đó là Mỹ đã can thiệp bằng cách miễn thuế cho quỹ Nobel và hỗ trợ tài chính. Nhờ đó, quỹ Nobel có thể đầu tư vào các kênh sinh lời cao hơn như cổ phiếu. Kể từ đó, tài sản của quỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ và hiện tại ước tính lên đến hơn 4 tỷ đô la Mỹ. Đây chính là lý do vì sao, sau hơn một thế kỷ trao thưởng, quỹ Nobel không chỉ chưa bao giờ hết tiền mà giá trị giải thưởng còn liên tục tăng lên.
Alfred Nobel đã từng là một trong những người giàu có nhất thế giới, nhưng ông đã sử dụng khối tài sản đó để tạo ra một di sản còn vĩ đại hơn cả tài sản vật chất – đó chính là Giải Nobel. Sự thông minh trong cách đầu tư và sự hỗ trợ từ các chính phủ đã giúp quỹ Nobel không ngừng phát triển, đảm bảo rằng giải thưởng sẽ tiếp tục được trao tặng cho những người xứng đáng trong nhiều thế kỷ tới. Vậy nên, dù Nobel không còn sống, tài sản và tâm huyết của ông vẫn còn đó, trở thành động lực cho sự phát triển của nhân loại.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)