Trong bối cảnh xã hội hiện đại không ngừng phát triển, nghề tư vấn tâm lý tại Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, khiến tâm lý học trở thành một lĩnh vực hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Tư vấn tâm lý là một quá trình tương tác giữa chuyên gia tâm lý và khách hàng, nơi mà chuyên gia đóng vai trò hỗ trợ khách hàng tháo gỡ những vướng mắc, cải thiện cuộc sống thông qua việc giúp họ nhận thức rõ hơn về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bản thân.
Để trở thành một nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp, người làm nghề này cần sở hữu nhiều kỹ năng chuyên môn. Họ là những cá nhân được đào tạo bài bản trong lĩnh vực tâm lý, đặc biệt là tư vấn tâm lý, với nền tảng kiến thức vững chắc và các phẩm chất cùng kỹ năng cần thiết để hỗ trợ khách hàng một cách hiệu quả.
Kỹ năng cần có
Đây là một trong những ngành nghề được nhận định giàu tiềm năng và khát nhân lực trên thị trường lao động tương lai. Nghề tư vấn tâm lý không lo bị AI thay thế, bởi công việc này liên quan trực tiếp tới cảm xúc cá nhân của con người, điều mà trí tuệ nhân tạo chưa làm được hoặc chưa thể đạt đến trình độ lắng nghe và thấu hiểu.
Một nhà tư vấn tâm lý giỏi rất cần tới kỹ năng giao tiếp, trong đó đặc biệt là kỹ năng lắng nghe. Lắng nghe không phải là nghe lời khách hàng mà chủ yếu là nghe được ước nguyện, cảm xúc, tình cảm… của họ.
Nhà tư vấn chuyên nghiệp thường không nói nhiều mà nghe là chủ yếu. Khả năng giao tiếp thể hiện tích cực ở quá trình làm chủ bản thân của nhà tư vấn. Nhà tư vấn phải có kỹ thuật làm chủ cảm xúc, tình cảm cũng như thời gian.
Bên cạnh đó, kỹ năng quan sát và phát triển vấn đề sẽ giúp cho nhà tư vấn thấu hiểu được những khúc mắc, xác định được đâu là vấn đề cần giải quyết.
Ngành tư vấn tâm lý chuyên nghiệp không lo bị AI thay thế (Ảnh minh họa).
Mức lương
Có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho những sinh viên tốt nghiệp ngành Tâm lý học với mức thu nhập tương đối cao. Không chỉ có cơ hội nghề nghiệp phong phú và đa dạng, các chuyên gia tuyển dụng còn dự đoán: Càng về sau, các cử nhân tâm lý học sẽ càng yên tâm về mức lương và chế độ đãi ngộ.
Nghề tư vấn tâm lý bao gồm nhiều lĩnh vực nhỏ khác nhau, các chuyên ngành nhỏ nhìn chung đều có mức thu nhập tốt. Bạn có thể tham khảo những công việc sau đây:
Nhà tâm lý học thể thao
Chuyên gia tâm lý học thể thao chịu trách nhiệm về các vấn đề tâm lý của vận động viên, tập trung vào những vấn đề như thành tích, động lực thúc đẩy vận động viên tiến đến thành công. Những chuyên viên tâm lý học trong ngành này sẽ sử dụng những kiến thức chuyên môn giúp vận động viên phát huy hết khả năng của bản thân hay hồi sức nhanh chóng sau chấn thương. Mức lương của vị trí này dao động trong khoảng 18 - 35 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào từng bộ môn thể thao và từng vận động viên mà chuyên gia đó phụ trách.
Nhà tâm lý học giáo dục
Kết quả khảo sát cho thấy, những chuyên gia tâm lý học giáo dục làm việc trong hệ thống giáo dục, có nhiệm vụ chẩn đoán cũng như khám chữa những vấn đề về hành vi và nhận thức học tập ở trẻ em có mức lương trung bình khoảng 25 triệu đồng/tháng. Các chuyên gia tâm lý giáo dục thường hợp tác với giảng viên, bác sĩ để giúp đỡ học sinh giải quyết những vấn đề xã hội, hành vi, cảm xúc trong môi trường giáo dục.
Nhà tâm lý học pháp y
Để đảm nhận vị trí nhà tâm lý học pháp y, bạn cần có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong lĩnh vực lâm sàng, tư vấn hoặc pháp y. Người làm việc trong chuyên ngành này sẽ làm việc với các vấn đề liên quan đến pháp luật. Công việc phổ biến là xây dựng và bổ sung hồ sơ tâm lý tội phạm, chuẩn bị những bằng chứng cần thiết để tòa án đưa ra những phán quyết chính xác. Mức lương trung bình của ngành này khoảng 35 triệu đồng/tháng.
(Ảnh minh họa)
Nhà tâm lý học cố vấn
Nhà tâm lý học cố vấn làm công việc như nhà tâm lý học lâm sàng tại các tổ chức và doanh nghiệp. Đây là một trong những phạm vi lớn nhất trong lĩnh vực tư vấn tâm lý. Công việc này đòi hỏi các chuyên gia tư vấn tâm lý phải có trình độ cao, hiểu biết sâu rộng ở mọi lĩnh vực. Ngành này thu hút nhu cầu nhân lực đông đảo với mức lương trung bình trên 40 triệu đồng/tháng, hoặc tùy tùy thuộc vào từng dự án.
Ngoài ra, còn nhiều ngành nghề như tâm lý học lâm sàng, nhà tâm lý học kỹ thuật hay bác sĩ tâm thần,... đều cho mức lương hấp dẫn.
Trường đào tạo
Hiện nay, bạn có thể theo học ngành Tâm lý học tại các trường: ĐH Sư phạm Hà Hội; ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; ĐH Lao động Xã hội; ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội; ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; ĐH Văn Hiến; ĐH Văn Lang; ĐH Công nghệ TP. Hồ Chí Minh,... để trở thành chuyên gia tư vấn tâm lý với cơ hội việc làm rộng mở.
A.Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)