Thông tư mới áp dụng cho những công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp làm việc tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc ngành giáo dục địa phương. Mục tiêu của quy định này là ngăn chặn tình trạng lạm dụng quyền hạn, các hành vi tiêu cực, đồng thời tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, viên chức có cơ hội trau dồi kinh nghiệm, nâng cao năng lực chuyên môn thông qua việc luân chuyển công tác.
7 vị trí công tác giáo dục bắt buộc luân chuyển định kỳ
Thông tư 19/2024/TT-BGDĐT xác định rõ 7 vị trí công tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo phải thực hiện luân chuyển định kỳ, bao gồm:
- Tuyển sinh và đào tạo tại các trường công lập: Những cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia vào quá trình tuyển sinh, tổ chức đào tạo tại các trường công lập sẽ phải luân chuyển sang vị trí công tác khác.
Các vị trí công tác trong lĩnh vực giáo dục phải luân chuyển định kỳ từ 2025 (Ảnh minh hoạ)
- Phân bổ chỉ tiêu và quản lý tuyển sinh: Các vị trí liên quan đến việc phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục, cũng như quản lý công tác tuyển sinh trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân, sẽ thuộc diện luân chuyển.
- Thẩm định chương trình đào tạo: Các cán bộ, viên chức thực hiện thẩm định và phê duyệt chương trình đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở giáo dục sẽ được điều chuyển công tác định kỳ.
- Thẩm định tài liệu giáo dục: Công việc thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, giáo trình, giáo cụ và các vật tư kỹ thuật khác phục vụ giảng dạy, nghiên cứu cũng nằm trong danh mục phải luân chuyển.
- Thẩm định hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục: Những người tham gia thẩm định hồ sơ thành lập và cho phép hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục cũng sẽ cần luân chuyển định kỳ.
- Quản lý dự án giáo dục: Các cán bộ, viên chức trực tiếp tham gia quản lý các đề án, dự án thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng sẽ phải chuyển đổi vị trí công tác.
- Phân bổ và thẩm định đề tài nghiên cứu: Những người có trách nhiệm phân bổ và thẩm định các đề tài nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng nằm trong danh sách phải luân chuyển.
Thời hạn và các quy định chuyển tiếp
(Ảnh minh hoạ)
Thời hạn luân chuyển định kỳ đối với các vị trí công tác trên được quy định từ 3 đến 5 năm. Thời điểm bắt đầu tính thời hạn luân chuyển là khi có văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ của cấp có thẩm quyền.
Thông tư cũng đưa ra các điều khoản chuyển tiếp rõ ràng. Theo đó, đối với các đối tượng đã thực hiện luân chuyển theo Thông tư 41/2021/TT-BGDĐT trước ngày 14/01/2025, các cơ quan, đơn vị sẽ tiếp tục theo dõi và tính thời gian giữ vị trí công tác để rà soát và thực hiện luân chuyển theo quy định mới.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT như các vụ, cục, văn phòng, thanh tra, các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ sở giáo dục đại học, sẽ tiếp tục thực hiện theo kế hoạch đã ban hành cho đến khi có quy định cụ thể hơn từ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Thu Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)