6 khoản thuế, phí cần phải đóng khi làm sổ đỏ năm 2024
+ Phí thuê đất
Căn cứ Luật đất đai hiện hành, cụ thể, theo Điều 56 và điểm b khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất cần phải trả tiền thuê đất hàng năm, hoặc trả một lần cho suốt thời gian thuê khi được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất.
+ Phí sử dụng đất
Khoản 21 điều 3 Luật Đất đai năm 2013 quy định: phí sử dụng đất là số tiền mà người sử dụng đất phải trả cho Nhà nước khi được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, hoặc cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.
+ Lệ phí trước bạ
Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định lệ phí trước bạ khi cấp Giấy chứng nhận được tính như sau:
Lệ phí trước bạ = (Giá 1m2 đất tại bảng giá đất x diện tích) x 0,5%.
Trong đó: Giá tính lệ phí trước bạ với đất là giá đất quy định tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành. Giá đất này có thể thay đổi theo từng năm. Còn diện tích đất chịu lệ phí trước bạ là toàn bộ diện tích thửa đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân được Văn phòng đăng ký đất đai quy định và gửi cho cơ quan thuế.
+ Lệ phí cấp Giấy chứng nhận
Khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC quy định, lệ phí cấp Giấy chứng nhận do HĐND cấp tỉnh quyết định nên mức thu lệ phí giấy chứng nhận từng tỉnh, thành có thể khác nhau.
+ Thuế thu nhập cá nhân
Khi làm sổ đỏ, người chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, thu nhập từ chuyển nhượng BĐS là 2% thuế suất tính trên giá trị chuyển nhượng mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng.
+ Phí thẩm định hồ sơ
Theo quy định tại Điểm i khoản 1 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC được sửa đổi bởi Thông tư 106/2021/TT-BTC, phí thẩm định hồ sơ làm sổ đỏ tùy thuộc vào quy định từng địa phương.
Thủ tục làm sổ đỏ đất thổ cư
(1) Hồ sơ xin cấp sổ đỏ
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (1 bản gốc + 3 bản sao công chứng).
- Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa các bên.
- Sơ đồ kỹ thuật thửa đất (nếu có).
- Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng (bản sao, công chứng).
- Các giấy tờ khác như giấy đăng ký hết hôn, biên bản thỏa thuận về tài sản của vợ chồng có liên quan đến phần đất này… (nếu được yêu cầu).
(2) Quy trình thực hiện
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu thì người dân căn cứ Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP có thể làm sổ đỏ theo các bước sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ làm Sổ đỏ tại Ủy ban nhân dân cấp xã; hoặc Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất ở.
Bước 2: Giải quyết hồ sơ
Đây là trách nhiệm thuộc về Ủy ban nhân dân; Văn phòng đăng ký đất đai; Sở tài nguyên và môi trường. Ba cơ quan sẽ phối hợp và thực hiện:
- Xác thực nguồn gốc đất.
- Xác thực thời điểm sử dụng đất.
- Kiểm tra hồ sơ đăng ký.
- Gửi số liệu địa chính tới cơ quan thuế.
- Cập nhật bổ sung việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ; vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
- Các thủ tục khác
Bước 3: Trả kết quả
Nếu hồ sơ đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Văn phòng đăng ký đất đai; sẽ trao Giấy chứng nhận QSDĐ cho người được nhận; Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã; thì gửi Giấy chứng nhận QSDĐ cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trao cho người được cấp.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)