"Vòng xoáy" hàng giả bủa vây thị trường
Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái đang diễn ra ngày một phổ biến và tinh vi hơn trên thị trường Việt Nam. Từ thực phẩm, sữa bột, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh cho đến quần áo, giày dép, đồ gia dụng… hầu như không có mặt hàng nào thoát khỏi "vòng xoáy" hàng giả.
Gần đây nhất, vụ triệt phá công ty Famimoto Việt Nam tại xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ đã gây chấn động dư luận. Cơ quan công an phát hiện và tạm giữ hơn 71.000 lít dầu ăn, khoảng 40 tấn mì chính (bột ngọt), 22 tấn hạt nêm, 9 tấn bột canh giả, cùng gần 84 tấn phụ gia và hơn 1,5 triệu vỏ bao bì, can nhựa dùng để đóng gói sản phẩm giả. Điều đáng lo ngại là các sản phẩm này đã được bán cho các bếp ăn tại các khu công nghiệp, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động.
6 cách đơn giản phân biệt hàng giả, hàng nhái, người dân cần biết (Ảnh minh hoạ)
"Hàng giả hiện nay thường rơi vào hai dạng chính: một là giả mạo nhãn hiệu của doanh nghiệp khác; hai là sản phẩm do chính doanh nghiệp sản xuất nhưng không đạt chất lượng như công bố, với các chỉ tiêu thấp hơn 70%", theo một chuyên gia trong ngành. Dù các doanh nghiệp này có đăng ký sản xuất, có địa chỉ cụ thể và xuất hóa đơn đầy đủ, việc người tiêu dùng phân biệt chất lượng thực sự của sản phẩm vẫn là điều gần như bất khả thi.
Không gian mạng cũng đang trở thành "mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả phát triển. Nhiều đối tượng đã lợi dụng các nền tảng như Shopee, TikTok, Facebook để bán mỹ phẩm giả, thuốc giả, sữa và thực phẩm, hàng tiêu dùng... kém chất lượng.
Để tự bảo vệ mình trước "ma trận" hàng giả, người tiêu dùng cần trang bị những "tấm giáp trụ" kiến thức và kỹ năng nhận biết hàng thật - hàng giả. Dưới đây là 6 cách đơn giản mà ai cũng có thể áp dụng:
1. Kiểm tra mã vạch
Hiện nay, hầu hết hàng hóa trên thị trường Việt Nam đều sử dụng mã vạch theo chuẩn EAN (European Article Number) của Tổ chức Mã số vật phẩm quốc tế – EAN International. Mã vạch này gồm 13 chữ số và được chia thành 4 nhóm, mỗi nhóm mang một ý nghĩa riêng, được đọc từ trái sang phải:
- Nhóm 1 (3 chữ số đầu): Là mã số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ sản xuất hàng hóa.
- Nhóm 2 (4 chữ số tiếp theo): Là mã số của doanh nghiệp sản xuất hoặc phân phối.
- Nhóm 3 (5 chữ số tiếp theo): Là mã số riêng của từng mặt hàng cụ thể.
- Nhóm 4 (1 chữ số cuối cùng): Là số dùng để kiểm tra tính hợp lệ của mã vạch.
(Ảnh minh hoạ)
Để kiểm tra, trước tiên hãy đối chiếu 3 chữ số đầu tiên của mã vạch với bảng hệ thống mã vạch quy chuẩn để biết được xuất xứ quốc gia của mặt hàng.
Sau khi xác định nguồn gốc xuất xứ, hãy kiểm tra tính hợp lệ của mã vạch đó. Nguyên tắc kiểm tra như sau:
Lấy tổng các con số hàng chẵn nhân 3 cộng với tổng với các chữ số hàng lẻ (trừ số thứ 13 ra, số thứ 13 là số để kiểm tra, đối chiếu). Sau đó lấy kết quả cộng với số thứ 13, nếu tổng có đuôi là 0 là mã vạch hợp lệ, còn nếu khác 0 là không hợp lệ.
2. Tem chống giả
Phân biệt qua tem chống giả là cách dễ dàng áp dụng nhất. Đây là tem mà bất cứ nhãn hàng nào cũng có và được dán trên phần nắp hoặc thân chai. Hãy đảm bảo tem chống giả còn nguyên vẹn, không được bong tróc và có dấu hiệu dán chồng lên.
Đặc biệt, với công nghệ làm tem chống giả ngày càng tinh vi, bạn cần phải xem xét cẩn thận. Tem chống giả ngày nay thường được thiết kế dưới dạng QR code để người tiêu dùng có thể quét và tự kiểm tra trên điện thoại di động. Sử dụng các ứng dụng quét mã phổ biến như iCheck, Barcode Scanner, QR Code Reader... để tra cứu xuất xứ, tên nhà sản xuất, mô tả sản phẩm và cả đánh giá từ người dùng khác. Nếu sản phẩm không thể quét mã hoặc trả về thông tin sai lệch, rất có thể đó là hàng giả.
3. "Ngoại hình" sản phẩm
(Ảnh minh hoạ)
Bao bì là yếu tố đầu tiên có thể giúp bạn nhận diện được sản phẩm có chính hãng hay không. Hàng thật thường có thiết kế bao bì sắc nét, chỉn chu và sử dụng vật liệu chất lượng tốt. Thông tin in trên bao bì bao gồm tên thương hiệu, logo, hạn sử dụng, thành phần, mã vạch, hướng dẫn sử dụng... sẽ được trình bày rõ ràng, không sai chính tả, không mờ nhòe hay lệch màu. Ngược lại, hàng giả thường dùng loại bao bì rẻ tiền, dễ nhàu nát, in ấn cẩu thả và thiếu các thông tin quan trọng.
4. Cảm quan
Đây là một trong những cách nhận biết đơn giản nhưng khá hiệu quả đối với các loại hàng hóa như thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, túi xách… Người tiêu dùng có thể sử dụng các giác quan như mắt - tay - mũi - miệng để đánh giá sơ bộ chất lượng sản phẩm.
- Đối với thực phẩm: Hàng thật có màu sắc tự nhiên, mùi thơm đặc trưng (tùy loại), không có dấu hiệu biến đổi như nhớt, chảy nước hay nấm mốc. Hương vị khi nếm thử đúng chuẩn loại sản phẩm. Hàng giả thường có màu quá đậm hoặc nhạt bất thường (do phẩm màu), mùi lạ, hắc, hoặc không rõ mùi. Có thể có vị chua, đắng hoặc mùi hóa chất.
- Đối với mỹ phẩm: Hàng thật có mùi hương dễ chịu, màu sắc đồng đều, kết cấu mịn màng, thấm nhanh vào da. Khi dùng không gây kích ứng hoặc bết dính. Hàng giả có mùi hắc, nồng như hóa chất; màu sắc loang lổ; kết cấu lỏng, vón cục hoặc đóng cặn. Có thể gây ngứa, rát hoặc nổi mẩn khi bôi lên da.
- Đối với quần áo, giày dép, túi xách: Hàng thật có đường may tỉ mỉ, đều và chắc chắn. Chất liệu vải, da hoặc cao su bền, đẹp, sờ vào cảm thấy mịn tay, không có mùi lạ. Màu sắc hài hòa, sắc nét. Hàng giả có đường may ẩu, chỉ thừa, dễ tuột. Chất liệu thường cứng, thô, dễ bong tróc hoặc phai màu sau vài lần sử dụng. Có thể có mùi keo nồng hoặc mùi nhựa kém chất lượng.
5. So sánh giá cả
(Ảnh minh hoạ)
Giá bán là một trong những tín hiệu dễ nhận thấy nhất để nghi ngờ một sản phẩm là giả. Nếu bạn thấy một mặt hàng có mức giá rẻ hơn quá nhiều so với giá niêm yết hoặc giá tại các cửa hàng uy tín thì hãy cẩn thận. Một sản phẩm chính hãng thường có mức giá dao động trong một khoảng nhất định, hiếm khi có sự chênh lệch lớn giữa các nơi bán.
6. Nguồn gốc
Một trong những cách an toàn nhất để tránh mua phải hàng giả là lựa chọn nơi mua hàng đáng tin cậy. Hãy ưu tiên các cửa hàng chính thức của thương hiệu, đại lý được ủy quyền, trung tâm thương mại lớn hoặc các trang thương mại điện tử có kiểm duyệt sản phẩm và chính sách đổi trả rõ ràng. Tránh mua hàng từ những tài khoản bán hàng cá nhân không có đánh giá, hoặc những trang web không rõ nguồn gốc, thiếu thông tin liên hệ.
Tham khảo ý kiến cộng đồng
Trước khi quyết định mua một sản phẩm, đặc biệt là khi mua online, bạn nên dành thời gian đọc qua các nhận xét, đánh giá của người dùng trước đó. Những phản hồi này sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế hơn về chất lượng, hiệu quả cũng như độ tin cậy của sản phẩm và người bán. Nếu một sản phẩm có nhiều đánh giá tiêu cực hoặc nhận xét về việc "hàng không giống hình", "sản phẩm có mùi lạ", "nghi ngờ là hàng giả"... thì bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi xuống tiền.
Trong "cuộc chiến" chống lại hàng giả, hàng nhái, mỗi người tiêu dùng cần trang bị cho mình những "vũ khí" cần thiết để tự bảo vệ mình và gia đình. Bằng cách áp dụng những cách nhận biết hàng giả đơn giản và hiệu quả trên, bạn có thể trở thành một người tiêu dùng thông thái, tránh mất tiền oan và bảo vệ sức khỏe của mình.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)