Formaldehyde là một trong những khí hại có khả năng gây ung thư cao nhất, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Loại khí này dễ dàng bay hơi và tồn tại trong không khí nên có thể tiếp xúc đến con người qua mắt, da, mũi và họng. Nếu tiếp xúc trong thời gian dài dễ gây hại cho chức năng hô hấp, hệ thống nội tiết, tim mạch, thận...
Khí formaldehyde thải ra hàng ngày qua hoạt động trong nhà như nấu nướng, tẩy rửa hóa chất,… hoặc các đồ dùng thông thường, điển hình là 5 vật dụng dưới đây:
Sản phẩm từ gỗ ép
Ngày nay, nhiều gia đình thường dùng đồ nội thất như tủ, giường, bàn ghế... từ gỗ ép. Trong gỗ ép chứ nhiều chất formaldehyde, vì lớp keo được sử dụng trong quá trình sản xuất các sản phẩm này đều có chứa chất này. Đặc biệt, nếu nhà bạn thường xuyên trong tình trạng nóng ẩm, gỗ ép sẽ càng sản sinh ra nhiều chất formaldehyde hơn.
Đồ nội thất chứa formaldehyde sẽ có mùi hăng nặng, vì vậy khi chọn lựa đồ nội thất bạn nên chú ý, hãy ưu tiên những sản phẩm đến từ những thương hiệu có uy tín.
Sàn gỗ công nghiệp
Giống như các sản phẩm làm từ gỗ ép, sàn gỗ công nghiệp cũng là loại sàn dễ để lại chất formaldehyde nhất. Sau khi lát sàn, hàm lượng formaldehyde sẽ bay hơi theo thời gian, nhưng trước khi biến mất chúng sẽ tạo ra mùi hăng hắc, gây khó chịu cho người ở. Vì vậy khi lát sàn nhà, bạn nên chọn loại sàn sử dụng ít keo, thân thiện với môi trường như sàn gỗ ghép thanh và và sàn gỗ đặc.
Xà phòng tắm, sữa tắm không rõ nguồn gốc
Nhiều người ham rẻ nên mua xà phòng tắm, sữa tắm không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, những sản phẩm không rõ nguồn gốc có nguy cơ nhiễm formaldehyde rất cao. Vì xà phòng, sữa tắm là thứ chúng ta sử dụng hàng ngày, tiếp xúc lên bề mặt da.
Cho nên để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tốt nhất bạn nên mua các sản phẩm sữa tắm, xà phòng đến từ các thương hiệu uy tín hoặc có nguồn gốc tự nhiên.
Rèm cửa
Đây là một trong những “ổ formaldehyde” trong nhà nhưng không phải ai cũng biết điều này. Trong quá trình in và nhuộm, để lên màu đẹp hơn, người ta sẽ pha thêm rất nhiều thuốc nhuộm nên thành phẩm có thể để lại formaldehyde.
Ngoài ra, rèm cửa là vật dụng ít được giặt giũ, vệ sinh nên dễ hình thành “ổ chứa” formaldehyde do tích tụ bụi bẩn, khói thuốc, khói bếp mỗi ngày. Formaldehyde có thể được hòa tan trong nước, vì vậy bạn nên vệ sinh rèm cửa thường xuyên, đồng thời nên chọn mua rèm cửa ở những thương hiệu có uy tín. Khi mua về, nên giặt giũ qua trước khi sử dụng để làm giảm lượng formaldehyde có thể có trong thành phẩm.
Nệm
Không chỉ formaldehyde, một số hóa chất có hại khác như polyurethane, axit boric cũng có thể được tìm thấy trong tấm đệm thông thường, nhất là những tấm nệm cũ, nệm kém chất lượng... thì hàm lượng formaldehyde sẽ càng nhiều. Nệm là thứ tiếp xúc trực tiếp với cơ thể con người nên mức độ tổn thương nó mang lại sẽ nghiêm trọng hơn.
Một số cách để loại bỏ khí formaldehyde ra khỏi nhà
- Thường xuyên mở cửa để thông gió để loại bỏ và làm loãng các khí độc hại trong phòng.
- Trồng những loại cây xanh có khả năng hấp thụ khí formaldehyde như trầu bà lá xanh, lưỡi hổ, kim tiền,…
- Đặt than hoạt tính trong nhà, nhưng nên thay thế nó khoảng 20 ngày/lần.
Thùy Dương (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)