Thông tin một học sinh 6 tuổi tử vong do bị để quên trên ô tô chỉ trong những ngày đầu tiên đi học đang gây xôn xao không chỉ các phụ huynh mà cả cộng đồng mạng nói chung.
Theo Viện Nhi hàn lâm Mỹ (AAP) cơ thể trẻ con tăng nhiệt độ nhanh gấp 3-5 lần so với người lớn. Bởi vậy trong một chiếc xe nóng, nhiệt độ cơ thể của trẻ em có thể tăng nhanh lên 40 độ C hoặc cao hơn, vượt quá khả năng điều tiết của hệ nội tiết, gây ra tổn thương về não và dẫn đến tử vong.
Trên thế giới, tình trạng để quên trẻ em trên xe là thảm kịch đáng báo động. Năm 2019, đã có 24 trẻ em tử vong trong xe hơi tại Mỹ. Còn trong năm ngoái, có 52 trẻ em (từ 7 tuần tuổi đến 11 tuổi) bị bỏ quên trong ô tô và tử vong. Kể từ năm 1998, hơn 800 trẻ em bị bỏ quên đã chết vì ngạt, nóng trong xe hơi.
Vì vậy, việc dạy trẻ những kĩ năng thoát hiểm trong tình huống bị bỏ quên một mình trên xe là vô cùng quan trọng. Trong trường hợp rơi vào tình huống này, các bé nên được cha mẹ hướng dẫn những kỹ năng cơ bản sau.
1. Cố gắng giữ bình tĩnh
Việc gào thét, khóc lóc có thể khiến trẻ nhanh chóng mệt mỏi, kiệt sức từ đó bỏ qua những cơ hội tăng khả năng thoát ra. Vì vậy nếu không may rơi vào trường hợp bị kẹt trong ô tô, phụ huynh nên khuyên trẻ cần bình tĩnh, tìm cách tự thoát ra hoặc báo hiệu cho người xung quanh về tình trạng của mình.
2. Mở cửa xe ở vị trí của ghế lái
Xe ô tô khi không cắm chìa khoá và khi xe đã khóa thì vẫn có thể mở được từ bên trong tại vị trí của ghế lái. Hãy hướng dẫn con mở cửa từ vị trí này. Khi mở cửa mà không có chìa khoá, còi báo động (chống trộm) trên xe sẽ kêu lên.
Ngoài ra, hãy dạy trẻ thử mở các cửa bởi nếu may mắn có thể một cánh cửa xe chưa được đóng kín. Từ đó trẻ cũng có thể thoát ra ngoài.
3. Liên tục bấm còi vô lăng xe
Có một sự thật ít người biết rằng còi xe ô tô luôn hoạt động kể cả khi xe không khởi động. Khi bỏ rơi trên xe ô tô, trẻ cần đến vị trí vô lăng xe, tìm kiếm hình ký hiệu còi xe và nhấn liên tục để thu hút sự chú ý từ những người xung quanh.
4. Tìm cách phá kính ô tô
Trong trường hợp bất khả kháng, khi không thể tự mở cửa xe hay kêu gọi sự trợ giúp từ bên ngoài, trẻ có thể tìm các dụng cụ phá kính ô tô trong xe. Nếu trên xe không có dụng cụ phá kính, hãy dạy trẻ tìm các dụng cụ, đồ vật khác để tìm cách phá kính và thoát ra.
5. Liên lạc bằng thiết bị thông minh
Hiện nay nhiều bậc phụ huynh đều trang bị cho con, em mình các thiết bị di động, đồng hồ thông minh. Do đó, hãy dạy bé kỹ năng liên lạc với cha, mẹ hay người ngoài để tìm kiếm sự giúp đỡ. Ngoài các số điện thoại lưu trực tiếp trên điện thoại, cha mẹ cũng cần dạy các em gọi đến các số điện thoại của cảnh sát, cứu thương khi gặp phải sự cố.
Theo Ttvn.vn