1. Bổ sung trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu
Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 ngày 29/11/2024; trong đó bổ sung thêm 01 trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu.
Theo đó, các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu gồm:
- Tất cả hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Thay đổi về mục tiêu, phạm vi đầu tư trong quyết định đầu tư đã được phê duyệt làm thay đổi khối lượng công việc, tiêu chuẩn đánh giá đã ghi trong hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
- Hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu 2023, quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu;
- Nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 (sửa đổi 2024);
- Tổ chức, cá nhân khác ngoài nhà thầu trúng thầu thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Điều 16 Luật Đấu thầu 2023 (sửa đổi 2024) dẫn đến sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.
- Hủy thầu theo quy định tại khoản 5 Điều 42 Luật Đấu thầu 2023 (sửa đổi 2024) (trường hợp bổ sung).
Từ ngày 15/01/2025, có một số chính sách mới nổi bật có hiệu lực theo quy định. (Ảnh minh họa)
2. Tiêu chuẩn chung chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 19/2024/TT-BGDĐT ngày 28/11/2024 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác thuộc phạm vi quản lý theo ngành, lĩnh vực giáo dục và đào tạo tại chính quyền địa phương.
Theo đó, tiêu chuẩn chung chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp được quy định như sau:
- Tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp
+ Có tinh thần trách nhiệm, trung thực, khách quan, tận tụy với công việc; thực hiện đúng quy chế, nội quy của cơ quan, đơn vị.
+ Tuân thủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
+ Thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo đảm tôn trọng bí mật đời tư của cá nhân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo đúng quy định của pháp luật và quy định của cơ quan, tổ chức.
+ Chủ động, sáng tạo đề xuất giải pháp, sáng kiến trong công tác lý lịch tư pháp.
+ Tiêu chuẩn khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của viên chức Ngành Tư pháp.
- Tiêu chuẩn chung về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
+ Tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành Luật.
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp theo nội dung chương trình của Bộ Tư pháp.
3. Tiêu chuẩn chung về xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp
(Ảnh minh họa)
Ngày 25/11/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 14/2024/TT-BTP quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp.
Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện chung về xét thăng hạng đối với chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp như sau:
- Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 115/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP).
- Đáp ứng tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp và tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp Lý lịch tư pháp quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư 13/2024/TT-BTP.
- Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia có nhu cầu vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng;
- Được cấp có thẩm quyền cử tham dự xét thăng hạng.
4. Nội dung kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 51/2024/TT-NHNN ngày 29/11/2024 quy định về kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, nội dung kiểm toán độc lập đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:
- Kiểm toán độc lập báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm kiểm toán:
+ Báo cáo tình hình tài chính;
+ Báo cáo kết quả hoạt động;
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
+ Thuyết minh báo cáo tài chính.
- Thực hiện dịch vụ bảo đảm đối với hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
5. Các trường hợp thu hồi chứng chỉ đại lý bảo hiểm
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 85/2024/TT-BTC ngày 29/11/2024 sửa đổi Thông tư 69/2022/TT-BTC hướng dẫn chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm. Theo đó, quy định chứng chỉ bị thu hồi trong các trường hợp sau:
- Thí sinh sửa chữa, gian dối hoặc giả mạo giấy tờ về nhân thân (Thẻ Căn cước/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu) khi tham dự kỳ thi;
- Cá nhân nhờ người khác thi hộ kỳ thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm;
- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và cá nhân đã gian dối trong việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm;
- Chứng chỉ bị thu hồi theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định pháp luật.
Hoàng Anh (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)