Ngành nghề đào tạo nào cũng cần cho xã hội và thu nhập của sinh viên sau khi ra trường cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó yếu tố chủ quan là khả năng học tập và nắm bắt của sinh viên cũng như năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp như thế nào. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, nếu biết chọn học những ngành học theo kịp xu hướng thời đại, và chịu khó học tập, rèn luyện thì sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm cũng như nhận mức thu nhập cao hơn sau khi ra trường.
Khi chọn ngành học đại học, nhiều bạn cảm tính mà chọn ngành theo ước mơ của mình. Tuy nhiên, bên cạnh sở thích, cũng cần cân nhắc đến yếu tố đầu ra để đỡ vất vả hơn giai đoạn sau này.
Việc chọn được một ngành nghề vừa phù hợp với bản thân vừa không bị thất nghiệp là điều không hề dễ dàng (Ảnh minh họa)
Theo Sohu, 4 ngành học dưới đây tại Trung Quốc có tỷ lệ đầu vào - đầu ra rất thấp trong thời đại học, tuy có ngành lương cao nhưng rất dễ thất nghiệp, vì vậy hãy lựa chọn thật kỹ càng.
Mỹ thuật
Nhiều sinh viên chọn chuyên ngành mỹ thuật chỉ để trở thành một họa sĩ. Tuy nhiên, lý tưởng thì đẹp đẽ, thực tế đôi khi phũ phàng. Hàng năm, có hàng trăm nghìn sinh viên đại học được đào tạo bởi các học viện mỹ thuật các cấp, nhưng chỉ một số ít trong số họ có thể trở thành họa sĩ. Thậm chí thực sự trở thành một họa sĩ không có nghĩa là có thể tự nuôi sống bản thân. Nhiều sinh viên nghệ thuật chọn chuyển đổi nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Quá khó để thành công trong ngành nghệ thuật. Bạn không chỉ cần sự chăm chỉ, tài năng mà còn cần cả sự may mắn.
Kỹ thuật về môi trường
Con người ngày nay ngày càng ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, giá trị của ngành Kỹ thuật môi trường ngày càng trở nên nổi bật hơn nên nhiều sinh viên cũng lựa chọn ngành học này. Tuy nhiên, mặc dù công tác bảo vệ môi trường là rất quan trọng nhưng xét từ khía cạnh việc làm, sinh viên chuyên ngành này có rất ít cơ hội để lựa chọn.
Nếu biết chọn học những ngành học theo kịp xu hướng thời đại, và chịu khó học tập, rèn luyện thì sinh viên sẽ có nhiều cơ hội việc làm cũng như nhận mức thu nhập cao hơn sau khi ra trường (Ảnh minh họa)
Chuyên ngành Tâm lý học
Nhịp độ làm việc và cuộc sống của con người hiện đại ngày càng nhanh, các vấn đề tâm lý khác nhau nối tiếp nhau xuất hiện, chính vì vậy triển vọng của Tâm lý học đang dần trở nên lạc quan. Tâm lý học chắc chắn có một vai trò nào đó, nhưng không có nhiều công việc tâm lý học phù hợp trên thị trường hiện tại.
Dù nhiều người mắc bệnh tâm thần nhưng họ rất ngại mở lòng với bác sĩ tâm lý. Hơn nữa, các tiêu chuẩn tâm lý học không đồng nhất, cùng một phương pháp tâm lý học nhưng lại có tác dụng khác nhau, điều này quả thực dễ khiến người ta có vấn đề tâm lý không tin tưởng, từ đó ảnh hưởng đến thị trường việc làm của nghề này.
Chuyên ngành Lịch sử
Nhiều người quan tâm đến việc khám phá lịch sử. Tuy nhiên, có hứng thú là một chuyện, thực sự dựa vào chuyên ngành Lịch sử để tìm việc là rất khó. Đặc biệt nếu bạn tốt nghiệp đại học, về cơ bản rất khó tìm được việc làm với mức độ phù hợp cao hơn. Nghiên cứu lịch sử là một việc làm đầy khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong thời buổi khó khăn như hiện nay, không ít cử nhân thạc sĩ cũng buộc phải làm các công việc khác để mưu sinh bởi vì không có việc làm, thất nghiệp quá nhiều.
Nếu như chỉ chọn nghề dựa theo dư luận, xu thế mà không tính toán một cách hợp lí thì dễ dẫn đến hậu quả sau này (Ảnh minh họa)
Chọn ngành, ngoài đam mê, sở thích, các bạn cần phải có năng lực nhất định để có thể học và theo đuổi ngành nghề sau khi tốt nghiệp. Nếu như chỉ chọn nghề dựa theo dư luận, xu thế mà không tính toán một cách hợp lí thì dễ dẫn đến hậu quả sau này.
Khi quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để xây dựng sự nghiệp vững chắc cho bản thân và đóng góp cho xã hội, các bạn cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khoẻ, thể chất của mình ra sao; mình thích làm việc trong môi trường như thế nào; mong muốn về tiền lương, cơ hội thăng tiến ra sao...
Tiếp đến các bạn mới đi tìm kiếm loại công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình. Sau đó, các bạn phải tìm các cơ sở đào tạo có lĩnh vực nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Cuối cùng căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn một cơ sở đào tạo phù hợp.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)